Liên kết logistics tăng trưởng kinh tế vùng
Chiến lược phát triển Hải quan đã xác định nhiều giải pháp mạnh thúc đẩy liên kết vùng, tăng trưởng, phát triển không gian kinh tế -xã hội, phát triển hành lang kinh tế…
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”
Vùng Đông Nam bộ thuộc địa bàn quản lý nhà nước về hải quan của các Cục Hải quan: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển thương mại xuyên biên giới của Việt Nam.
Liên kết phát triển dịch vụ logistics
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tại quy hoạch tổng thể quốc gia đối với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội đã xác định Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; phát triển các hành lang kinh tế, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế…
Bên cạnh việc đầu tư, phát triển hạ tầng cứng đồng bộ để tạo thuận lợi và liên kết hiệu quả trong phát triển dịch vụ logistics trên nền tảng khai thác, tối ưu các lợi thế của các tỉnh vùng Đông Nam bộ, các hoạt động liên kết phát triển hạ tầng mềm cũng đóng vai trò rất quan trọng vào nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cho ngành Hải quan. Năm 2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đạt kim ngạch XNK với 129,73 tỷ USD; Cục Hải quan Bình Dương với 49,06 tỷ USD; Cục Hải quan Đồng Nai với 39,36 tỷ USD; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu với 21,13 tỷ USD.
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển
Tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho vùng
Việc đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan toàn diện trên mọi lĩnh vực cần có một số giải pháp.
Thứ nhất, tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa ngày càng cao.
Thứ hai, triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan tập trung đảm bảo cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.
Thứ ba, triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.
Thứ tư, xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng Hải quan Vùng. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện.
Có thể bạn quan tâm