Bình Dương “tiếp sức” cho doanh nghiệp
Tỉnh Bình Dương đã đề ra các giải pháp để “tiếp sức” doanh nghiệp có những bứt phá trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng với những nỗ lực trong điều hành, triển khai các giải pháp, kinh tế của tỉnh Bình Dương đã đạt một số kết quả khả quan trong 9 tháng năm 2023.
>> Bình Dương: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Kinh tế phục hồi tích cực
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lạm phát ở mức cao, suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với những nỗ lực trong công tác điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%.
9 tháng năm 2023 ước thu ngân sách đạt hơn 44.000 tỷ đồng, đạt 59% dự toán HĐND tỉnh giao và 67% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 91% số thu năm 2022. Trong đó thu nội địa 32.552 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 11.528 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách thực hiện 15.126 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã huy động được 282.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay ước đạt 302.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã tiến hành giảm lãi suất 4 lần để góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các nguồn lực đầu tư cho xã hội đã tạo nhiều động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài được duy trì ổn định.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương cùng kỳ nhưng số vốn giải ngân cao hơn 5.500 tỷ đồng. Kết quả thực hiện vốn đầu tư công được tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Các công trình trọng điểm, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dự báo trong 3 tháng còn lại năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển năm 2023, từ nay đến cuối năm tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó, đặc biệt, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đất đai, thủ tục cấp phép đầu tư, các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ…
Tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp, gặp gỡ đối thoại các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, chú ý giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, từ đó tăng khả năng hấp thụ tốt các nguồn vốn cho thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kích thích thị trường tiêu dùng, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt chăm lo đời sống công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, triển khai phương án kết nối, hỗ trợ công nhân, người dân tìm kiếm việc làm...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các sở, ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với tiếp tục bám sát và triển khai các chỉ đạo của các cấp về phát triển, phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính... nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm