Long An: “Đất lành” cho doanh nghiệp
Long An đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả đối với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những quyết sách đúng đắn, chiến lược hợp lý, Long An đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả đối với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
>>Long An chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Long An là tỉnh duy nhất nằm ở vùng giao thoa kết nối giữa 2 vùng: ĐBSCL và Đông Nam bộ. Long An nằm ngay cửa ngõ kết nối, giao thương, hành lang phát triển kinh tế kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh-Đông Nam Bộ với ĐBSCL; có hệ thống giao thông thủy bộ liên vùng nối liền miền Đông Nam Bộ với ĐBSCL, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường), cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc). Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế quản lý một cửa tại chỗ, góp phần tạo nên điểm sáng thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là nền tảng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh chú trọng, phát huy hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH; đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh. Đây cũng là cơ hội để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần đưa Long An trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam.
Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư
- Thưa ông, đâu là điểm nhấn của Long An trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thời gian qua?
Với những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Long An ngày càng phát triển toàn diện. Quy mô kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây đứng đầu Vùng ĐBSCL; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa; ngành công nghiệp và xây dựng của tỉnh chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế. An sinh xã hội được bảo bảm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tình hình chính trị, trật tự xã hội được ổn định. Thương mại đầu tư và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GRDP ước đạt 3,43%, trong đó, khu vực 1 tăng 3,71%, khu vực 2 tăng 3,4% và khu vực 3 tăng 4,06%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự phục hồi, phát huy vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 4,56% so với cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,67%; 31/58 nhóm sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký của dự án đầu tư trong và ngoài nước tăng cao so cùng kỳ. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay thành lập mới 1.041 doanh nghiệp với tổng số vốn 12.121 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 16.223 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 364.126 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư FDI của tỉnh đến năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đến hết tháng 6 năm 2023, thu hút đầu tư FDI của tỉnh vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố và tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL. Đến nay, tỉnh có khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có DA đầu tư trực tiếp vào địa bàn. Hiện, Long An có 2.176 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 253.000 tỉ đồng; 1.195 dự án FDI, vốn trên 10,4 tỷ USD, trong đó, có 588 dự án đưa vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỷ USD.
- Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nói riêng và cả nước nói chung. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Bản Quy hoạch là cơ sở định hướng thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Mục tiêu của Long An đến năm 2030, là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch cũng chỉ ra các đột phá phát triển. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KT-XH, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo quy hoạch được phê duyệt, tổ chức các hoạt động KT-XH trên địa bàn tỉnh theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng KT-XH, sáu trục động lực”.
Cụ thể TP.Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP.HCM; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM; Hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP.HCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục Quốc lộ 50B).
Ba vùng KT-XH gồm: Vùng đô thị và công nghiệp; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu và Vùng đệm sinh thái.
Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4; Trục động lực Quốc lộ 50B, Trục động lực song hành Quốc lộ 62; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; Trục động lực Quốc lộ N1; Trục động lực Đức Hòa.
Trong Quy hoạch tỉnh cũng đã xác định phương hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng (ngành công nghiệp, ngành dịch vụ, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản); các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác; đưa ra phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, xây dựng phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; đồng thời, cũng xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Giữ vững PCI Top đầu cả nước
- Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Theo ông, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thưa ông?
Thời gian qua, Long An đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, gắn với vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ và bền vững môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thích ứng với xu thế phát triển trong tình hình mới. Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Long An đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, với nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Long An đã có sự vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI khi tăng 6 bậc, vươn lên vị trí Top 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022. Trong đó, một số chỉ số thành phần của tỉnh Long An có thứ hạng cao như chi phí thời gian xếp thứ 2, tính năng động của chính quyền xếp thứ 4, chi phí không chính thức xếp thứ 5.
Năm 2023, tỉnh quyết tâm, nỗ lực để đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI. Cụ thể, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực quản lý trong 2023 phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đơn vị, địa phương mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cả tỉnh.
Đồng thời, Long An cũng triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thiết thực, giải quyết các hạn chế trong thu hút, tiếp nhận đầu tư; trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số như Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cải cách hành chính, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phấn đấu vị trí của Long An trên bảng xếp hạng PCI luôn duy trì trong Top đầu cả nước một cách bền vững.
- Hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, Long An đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) Long An năm 2023.
Tỉnh cũng ưu tiên tập trung bằng các giải pháp cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện điểm số và thứ hạng của 04 chỉ số thành phần. Phấn đấu năm 2023 tỉnh Long An đứng trong TOP 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước. Long An đề 4 giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần, gồm: thứ nhất, tăng cường giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
Thứ hai, tăng cường đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu
Tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực hỗ trợ để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ...
Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp đã, đang và sẽ góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Thứ tư, cùng với các chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết, để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm