Long An: Phát triển công nghiệp bền vững

HẰNG HÀ 23/09/2023 16:02

Tỉnh Long An đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

>>Long An: Nhiều sản phẩm du lịch hút khách dịp Tết Nguyên Đán 2023

 Long An đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo

Long An đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo

Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường, phát triển nhanh các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn

Công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao. Hiện nay, quy mô công nghiệp của tỉnh từng bước phát triển, đứng thứ nhất trong Vùng ĐBSCL và đứng thứ 5 trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 13,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và tăng trung bình 14,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020; giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp tăng bình quân lần lượt là 14,8%/năm, 14,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

Giai đoạn 2021 - 2022, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn này tăng thấp, đạt 3,95%/năm. 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,56% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng 4,67%. Có 31/58 nhóm sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng phát triển đô thị và công nghiệp gồm các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, TP.Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và Châu Thành. Hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp có những chuyển biến tích cực, sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục lại toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam, cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL. Theo đó, đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển bền vững ngành công nghiệp

Theo bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, nhất là ngành Công nghiệp, tỉnh Long An đang tập trung cơ cấu lại ngành Công nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp năng lượng.

Đối với chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, cùng với việc tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như: đổi mới công nghệ, áp dụng quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu..., tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư các tập đoàn quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định, bền vững.

Long An cũng tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng liên kết, nâng cao tính ổn định, bền vững trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, từng bước nâng lên thành cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị; khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau...

Trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh đang triển khai, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, xét đến năm 2045. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I, II tại huyện Cần Giuộc và các dự án điện mặt trời. Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng điện, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt dân cư.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường và tái cơ cấu ngành Công nghiệp. Tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản. Hình thành một số cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu vùng Đồng Tháp Mười nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng tốt, hiệu quả cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Cảng Quốc tế Long An và Cảng Oakland ký hợp tác thương mại

    Cảng Quốc tế Long An và Cảng Oakland ký hợp tác thương mại

    17:59, 08/08/2023

  • Nhà phân phối 3S Mitsubishi Long An chính thức hoạt động

    Nhà phân phối 3S Mitsubishi Long An chính thức hoạt động

    08:33, 05/08/2023

  • Long An xúc tiến đầu tư Nhật Bản năm 2023

    Long An xúc tiến đầu tư Nhật Bản năm 2023

    16:26, 29/07/2023

HẰNG HÀ