Nâng cao chỉ số PCI Hải Phòng (Kỳ II): Vẫn còn những “điểm nghẽn”
Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh, song chỉ số PCI của TP Hải Phòng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
>>>Nâng cao chỉ số PCI Hải Phòng (Kỳ I): Bước đi mạnh mẽ
>>>Lợi thế cho bất động sản Hải Phòng “cất cánh”
Trở ngại
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022 được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố mới đây, Chỉ số PCI của TP Hải Phòng xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 3/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 70,76 điểm, tăng 0,15 điểm và giảm 1 bậc xếp hạng so với năm 2021.
Theo kết quả này, 89% doanh nghiệp tại TP Hải Phòng đánh giá "UBND thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh" và 92% doanh nghiệp cho biết "các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại thành phố.
Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần, TP Hải Phòng có 5 chỉ số tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 5 chỉ số giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Theo kết quả này, TP Hải Phòng không đạt kế hoạch về tổng điểm; trong 10 chỉ số thành phần, có 5 chỉ số không đạt kế hoạch về điểm số, 4 chỉ số không đạt kế hoạch về vị trí xếp hạng; 88/142 chỉ tiêu thành phần không đạt kế hoạch về điểm.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, trên cơ sở phân tích môi trường kinh doanh TP Hải Phòng qua kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2022, trong giải quyết thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, nhất là liên quan đến thủ tục đất đai vẫn kéo dài hơn quy định; việc mở rộng mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp gặp một số trở ngại như: giá đất nông nghiệp tăng quá nhanh, thủ tục hành chính thuê, mua phức tạp, giá đất nông nghiệp cao, thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm…; doanh nghiệp còn chịu gánh nặng về thanh tra, kiểm tra...
Cũng theo ông Thạch, đối với tiếp cận nguồn lực kinh doanh, doanh nghiệp Hải Phòng còn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu tài sản thế chấp, khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Đối với nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tuy phần lớn doanh nghiệp đánh giá chính quyền thành phố năng động trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh song việc thực thi ở cấp sở, ngành, địa phương chưa được đánh giá cao. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thụ hưởng các chương trình hỗ trợ đạt thấp.
Còn theo ông Phạm Tiến Dũng - Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn về Quản lý kinh tế (Economica Vietnam), mặc dù chất lượng điều hành của các cơ quan tiếp tục có cải thiện song vẫn cần phát huy hơn nữa. Từ kết quả chỉ số DDCI năm 2022 của TP Hải Phòng cho thấy, chi phí không chính thức giảm ở khía cạnh những “tham nhũng nhỏ”, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn phải chi trả chi phí không chính thức cao ở một số sở, ban, ngành và một số địa phương; việc sử dụng CNTT trong thực hiện TTHC có cải thiện nhưng còn thấp. Liên quan đến chỉ số hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, có đến trên 35% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “không bao giờ/hiếm khi” được mời tham gia các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh…
Bàn giải pháp
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được xác định là giải pháp hiệu quả cho cuộc đua thứ hạng PCI để thu hút ngày càng nhiều hơn các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực cho sự tăng trưởng của TP Hải Phòng trong giai đoạn phát triển mới.
Để cải thiện môi trường kinh doanh tại Hải Phòng, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị, TP Hải Phòng cần xây dựng bộ máy công vụ với tinh thần ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân, năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, lưu ý rút ngắn khoảng cách thực thi ở cấp cơ sở. Tiếp tục triển khai hiệu quả đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục duy trì hiệu quả phản hồi trước những yêu cầu về tiếp cận thông tin, văn bản từ các doanh nghiệp; đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính.
“TP Hải Phòng cần rà soát tổng thể các thủ tục, quy trình về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện để tìm giải pháp đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí tuân thủ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về thuế, đặc biệt là tập huấn, phổ biến thông tin, tư vấn qua đường dây nóng với các khâu quyết toán thuế và khâu giải quyết thủ tục miễn giảm thuế; giải quyết các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính về đất đai; giảm thiểu gánh nặng phiền hà về thanh tra kiểm tra…”, ông Thạch cho biết thêm.
Còn theo ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, TP Hải Phòng cần tập trung nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục rà soát, kiện toàn để giảm đấu mối, hoàn thiện quy định chức năng nhiệm vụ, giảm chồng chéo; hoàn thiện quy định về vị trí việc làm; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, quan tâm, ban hành các chính sách, giải pháp để chữa căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm. Đồng thời, xác định điểm nghẽn lớn nhất để tập trung giải quyết dứt điểm; thường xuyên đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh…
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm