Quảng Ninh cam kết luôn là đối tác tin cậy của doanh nghiệp
Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại buổi tiếp Đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm, khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh.
>>>Quảng Ninh: Đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf phía Bắc
Đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa đến thăm, khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh. Giới thiệu với đoàn các tiềm năng của tỉnh, ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là đầu tàu và một cực tăng trưởng phía Bắc, địa phương tiêu biểu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng. Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, an sinh xã hội được đảm bảo. Những kết quả đó có được từ nguồn lực thu hút đầu tư ngoài ngân sách và nội lực của địa phương.
Ông Khắng khẳng định, Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội, quyết định đầu tư và hoạt động lâu dài.
Ông Khắng cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng cơ chế phối hợp để tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh và doanh nghiệp Hàn Quốc, đồng thời, thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Quảng Ninh thời gian tới.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng: Quảng Ninh có nhiều tiềm năng phát triển. Thông qua chuyến thăm lần này, Đoàn sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi và làm cầu nối để thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Quảng Ninh thời gian tới.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, làm rõ một số nội dung như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những lĩnh vực thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Trước đó, Đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc đã khảo sát các dây chuyền sản suất tại nhà máy Bumjin Electronics tại KCN Đông Mai. Bumjin hiện là dự án lớn nhất của Tập đoàn Bumjin thực hiện tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD (tương đương khoảng 700 tỷ đồng). Năm 2022, sản lượng loa, tai nghe của Công ty đạt 900.000 bộ sản phẩm; doanh thu đạt 153 triệu USD.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế: KCN Đông Mai có diện tích 167,86ha. Là KCN lớn và có mặt bằng thuận lợi, hiện KCN Đông Mai đã thu hút các dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 97%. KCN Đông Mai hiện có 24 dự án thứ cấp, trong đó có 23 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 563,78 triệu USD và 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng. KCN Đông Mai đang tạo việc làm cho trên 9.000 công nhân lao động.
Đoàn cũng đã đến thăm, khảo sát thực tế tại KCN Sông Khoai. KCN Sông Khoai do Tập đoàn Amata đầu tư xây dựng trên diện tích 714ha, được triển khai theo 5 giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Đến nay, công tác GPMB đang được thị xã Quảng Yên thực hiện theo từng giai đoạn.
Chủ đầu tư KCN cũng đã hoàn thành trạm biến áp 110Kv, trạm cấp nước, xử lý nước thải và cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông nội bộ giai đoạn I của dự án... đảm bảo việc cung cấp điện, nước và xử lý nước thải cho các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện tại KCN Sông Khoai đã có 5 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, có 2 dự án sản xuất với tổng vốn hơn 865 triệu USD đều là của nhà đầu tư Jinko Solar. Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư 365,6 triệu USD.
Mục tiêu của Tập đoàn Amata cũng như của tỉnh Quảng Ninh là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư tại các thị trường như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan... đầu tư vào KCN Sông Khoai, tham gia và đóng góp cao vào chuỗi giá trị sản xuất của KKT ven biển Quảng Yên và của tỉnh.
Đoàn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đã tới thăm, khảo sát và nghe giới thiệu về Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong. Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do DEEP C - nhà phát triển khu công nghiệp của Bỉ và Tập đoàn Hateco hợp tác xây dựng và phát triển có diện tích 1.193ha. Với vị trí địa lý thuận lợi, KCN Bắc Tiền Phong đang trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI tìm đến, từng bước khẳng định là KCN xanh, hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.
Với lợi thế về vị trí địa kinh tế đảm bảo đều kết nối giao thông trực tiếp với tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; các cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cát Bi cũng như hệ thống cảng hàng hải, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đều đánh giá đây là 3 KCN hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc trong tương lai.
Theo ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Hiện nay, Quảng Ninh là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhất cả nước. Các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước cho đến thời điểm hiện tại 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Các chỉ số cải cách cũng liên tục nhiều năm liền dẫn đầu toàn quốc. Vừa qua, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, quan điểm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh là luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như tất cả các nhà đầu tư đến đầu tư tại Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm