Để “hút” đầu tư FDI, tỉnh Quảng Ninh sẽ công khai danh mục dự án ưu tiên, hạn chế thu hút đầu tư; suất vốn đầu tư của dự án; khả năng cung ứng lao động, điện, nước cho các KCN, KKT…
>>>Quảng Ninh: Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
>>>Quảng Ninh: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội
Theo BQL KKT Quảng Ninh, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước hiện có đồng thời cả 3 mô hình: KCN, KKT ven biển và KKT cửa khẩu. Hiện 5 KKT và các KCN trên địa bàn đang thu hút hàng trăm nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia trên thế giới hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng nguồn vốn đầu tư đạt trên 11 tỷ USD.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với hơn 80 lượt đoàn, trong đó có hơn 60 lượt đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, gấp đôi so với cùng kỳ. Đặc biệt, bên cạnh các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Quảng Ninh đã và đang kết nối ngày một tốt hơn với những đối tác tiềm năng mới như Thụy Điển, New Zealand, Qatar, Vương quốc Bỉ... Địa phương này cũng đã tổ chức 2 hội nghị, tham dự trên 10 hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp có quy mô lớn với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế.
Mới đây, vào giữa tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc làm việc với Tập đoàn JTA, Qatar, cùng các đối tác đến thăm, khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác tại địa phương.
Tại cuộc làm việc này, ông Amir Salemizadeh - Người đồng sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn JTA, Qatar cho rằng, Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, Thông qua chuyến thăm, khảo sát lần này, phía Tập đoàn mong muốn sẽ sớm triển khai đầu tư dự án tại Quảng Ninh trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo…
Cùng thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders, Vương quốc Bỉ cùng hơn 30 doanh nghiệp đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Jan Jambon - Bộ trưởng - Thủ hiến vùng Flanders (Vương quốc Bỉ), phía đoàn công tác rất ấn tượng với hạ tầng và sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh là địa phương trọng điểm phát triển, đầu tàu kinh tế ở phía Bắc Việt Nam; Flanders cũng là vùng trọng điểm kinh tế của Bỉ. 2 vùng có nhiều điểm tương đồng như: là động lực phát triển của quốc gia và khu vực, sở hữu cảng biển, phát triển du lịch và công nghiệp... Vì vậy đề nghị Flanders và Quảng Ninh cần tăng cường kết nối, hợp tác liên vùng, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại, triển khai các dự án đầu tư trong các lĩnh vực như KCN, cảng biển, năng lượng tái tạo, nông nghiệp… Phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) cũng mong muốn được tiếp cận, mở rộng đầu tư, phát triển tại Quảng Ninh.
Bàn cách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Tính đến hết tháng 8/2023, tổng vốn thu hút đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 853 triệu USD. Các cơ quan đăng ký đầu tư của tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn tăng thêm là 26,41 triệu USD; cấp 2 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt gần 1 triệu USD. Tỉnh Quảng Ninh hiện phấn đấu thu hút ít nhất 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI trong năm 2023.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay Ban Quản lý KKT tỉnh đã tích cực đón tiếp, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh trên cơ sở các quy hoạch chiến lược của tỉnh và kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác thu hút đầu tư. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, nắm bắt, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Được biết, mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cuộc họp cho ý kiến về Đề án “Thu hút nhà đầu tư FDI lớn có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tình hình triển khai xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT; công tác truyền thông xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để đảm bảo Đề án khi ban hành và triển khai phải có tính khả thi, đạt hiệu quả cao nhất trong thực tế, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các thành viên Tổ công tác và sở, ngành, địa phương liên quan cần xác định rõ thêm các nội dung về phạm vi, đối tượng, danh mục nhà đầu tư và ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư của Đề án. Đồng thời cần phân công rõ vai trò, nhiệm vụ và định rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành cho từng nội dung. Nghiên cứu tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề có tầm cỡ quốc tế, tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm trong công tác thu hút đầu tư; nghiên cứu thuê đơn vị tư vấn có uy tín, năng lực để xây dựng hoàn thiện Đề án…
Về tình hình triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và các dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cùng các đơn vị liên quan bám sát các quy định của pháp luật; làm rõ và công khai các nội dung trọng tâm như: Danh mục dự án ưu tiên và dự án hạn chế thu hút đầu tư; suất vốn đầu tư của các dự án, công trình; khả năng cung ứng lao động cho các dự án; khả năng cung ứng điện, nước cho các KCN, KKT…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Thành công của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư nước ngoài đã chứng tỏ sức hấp dẫn của địa phương với nhà đầu tư, không chỉ nhờ vào vị trí địa lý mà phần lớn đến từ môi trường đầu tư. Bước tiếp theo của Quảng Ninh là thu hút nhà đầu tư mới có chọn lọc hơn. Tỉnh Quảng Ninh cần “khó tính” hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững. Địa phương này cũng nên nhấn mạnh với những nhà đầu tư này các biện pháp sản xuất xanh và chính sách phát triển bền vững để đảm bảo một tương lai bền vững mà chất lượng sống tốt hơn cho cả khu vực”.
Có thể bạn quan tâm