Quảng Ninh: Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Diendandoanhnghiep.vn Áp lực giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh trong những tháng còn lại năm 2023 là rất lớn, với nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết kịp thời, dứt điểm.

>>>Giải ngân vốn đầu từ công: Khó giải bài toán đền bù, giải phóng mặt bằng

>>>“Bắt bệnh” từ “phác đồ” giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An

Có chủ đầu tư đạt 0%

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 8/9/2023, toàn tỉnh mới giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 5.580 tỷ đồng, đạt 36% so với kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 40,4% so với kế hoạch giao đầu năm, tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước và cùng kỳ năm 2022.

Thi công hạng mục cầu thuộc Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Thi công hạng mục cầu thuộc Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 68%, ngân sách tỉnh giải ngân đạt 30%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (41,2%). Ngân sách huyện, xã giải ngân đạt 39%.

Có 10/13 chủ đầu tư cấp tỉnh không đạt kế hoạch UBND tỉnh giao, trong đó một số chủ đầu tư đạt rất thấp, dưới mức trung bình giải ngân của tỉnh, bao gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 30%, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17,5%, Công an tỉnh 9,5%. Đáng chú ý, Ban Quản lý KKT tỉnh, Trường Đại học Hạ Long và Sở Xây dựng đạt 0%. Có 11/13 địa phương có tỷ lệ giải ngân không đạt theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% là: Đông Triều 35%, Hải Hà 36%, Uông Bí 38%.

Với kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Quảng Ninh đề ra đối với giải ngân với đầu tư công đến 31/8 đạt 50% kế hoạch vốn đã không hoàn thành như kế hoạch. Trong 4 tháng cuối năm, khối lượng giải ngân còn lại là gần 60%, sẽ tạo một sức ép rất lớn lên chính quyền tỉnh và các cấp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, với tỷ lệ giải ngân như hiện tại, mục tiêu giải ngân đến 30/9 đạt 80% kế hoạch vốn năm 2023 là khó đạt được. Ông Cường còn cho rằng, nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó là những vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương trong xử lý tài sản công. Việc triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm…

Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh trình HĐND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn đầu tư đối với các dự án chậm giải ngân, không đảm bảo tiến độ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đối với việc tạm ứng vốn, thanh toán giai đoạn, hoàn ứng – ông Cường cho biết.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ giải ngân

>>>Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?

>>>Hải Dương: tháo gỡ khó khăn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Được biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác đầu tư công. Yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đến hết năm 2023, đảm bảo đến 31/8/2023 cấp tỉnh giải ngân đạt 55%, cấp huyện đạt 60%.

Thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các địa phương, các ngành triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng, ưu tiên đẩy nhanh tốc độ hoàn thành một số công trình quan trọng, bố trí vốn ngân sách cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược…Đặc biệt, tỉnh đã thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2023. Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên rà soát, tổng hợp vướng mắc nảy sinh, phân tích nguyên nhân trong quá trình triển khai dự án đầu tư công của chủ đầu tư và đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đến nay chưa đạt như kỳ vọng.

Trường THCS&THPT Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long) đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Mạnh Trường

Trường THCS&THPT Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long) đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Mạnh Trường

Để chấn chỉnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân theo kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản phê bình người đứng đầu 21 cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư và 10 địa phương đến hết ngày 31/8/2023 không giải ngân đạt kế hoạch.

Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác triển khai thực hiện các dự án, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Phân công trong lãnh đạo theo dõi từng nhóm công trình, dự án cụ thể, có tiến độ rõ ràng trong công tác điều hành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, cấp phép công bố giá các mỏ đất, vị trí đổ thải, tài sản công... Đặc biệt, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Trước mục tiêu đề ra đến 31/12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán. Rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công. Chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Đặc biệt phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh đạt 93,9%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Để giải ngân hiệu quả nguồn vốn này trong năm 2023, không thấp hơn năm 2022, thì các sở, ban, ngành, địa phương cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714289249 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714289249 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10