Cà Mau nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

THÙY LINH 03/10/2023 15:28

Tỉnh Cà Mau luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng nhằm phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cà Mau đã và đang xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có năng lực, trình độ chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm hình thành nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, theo kịp yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân làm việc tại Trường Cao đẳng cộng đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân làm việc tại Trường Cao đẳng cộng đồng

Tỉnh Cà Mau luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng nhằm phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung thực hiện các giải pháp đột phá nhằm đổi mới, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung và đào tạo nghề nói riêng; gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với thị trường lao động…, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Theo đó, tỉnh tập trung sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống GDNN, gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, thực hành và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Thực hiện chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở GDNN, trong đó có 3 cơ sở GDNN công lập (3 trường Cao đẳng), 5 cơ sở hoạt động ngoài công lập. So với trước khi sắp xếp, giảm 9 cơ sở GDNN công lập; tăng 1 doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có quy mô tuyển sinh, đào tạo 12.260 chỉ tiêu.

6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở đã đào tạo, bồi dưỡng cho 6.344 người; đã giải quyết việc làm cho 26.188 người. Các hoạt động tư vấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm được thực hiện thường xuyện, định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp cận, kết nối, đáp ứng nhu cầu của cả 2 phía cung – cầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh dự kiến đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 84.000 người, trong đó, cao đẳng 2.835 người; trung cấp 855 người, đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên 80.310 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 60%.
Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực hành thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Tăng cường liên kết với doanh nghiệp

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Chương trình số 26-CTr/TU của BCH đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch số 195/KH-UBND về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ những ngành, lĩnh vực có thế mạnh, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, như: Nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, dịch vụ, du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo...; đào tạo đội ngũ công nhân, lao động lành nghề cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, chương trình kinh tế trọng điểm, các doanh nghiệp trên địa bàn và nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài… Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trở lên và 70% vào năm 2030; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27% trở lên.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, liên thông trong giáo dục, đào tạo, tổ chức các hoạt động liên kết, gặp gỡ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để kịp thời nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Kết hợp công - tư (xã hội hóa) trong đào tạo nghề; đầu tư hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Cà Mau tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề để tạo việc làm cho lao động trong tỉnh. Tỉnh cũng huy động các nguồn lực để tổ chức đào tạo cho nhiều lao động hơn; Tiếp tục thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài; tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao để hình thành, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư

    Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư

    14:30, 21/09/2023

  • Công ty Khí Cà Mau hoàn thành đợt bảo dưỡng sửa chữa năm 2023

    Công ty Khí Cà Mau hoàn thành đợt bảo dưỡng sửa chữa năm 2023

    11:14, 07/09/2023

  • Cà Mau: Đòn bẩy từ  hạ tầng giao thông

    Cà Mau: Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông

    14:31, 12/08/2023

THÙY LINH