Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư

THÙY LINH 21/09/2023 14:30

Cà Mau đang tập trung mời gọi đầu tư vào một số dự án quan trọng, có tính động lực của tỉnh.

Cà Mau tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm điều kiện, nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL và của cả nước.

 Lãnh đạo tỉnh Cà Mau gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp

Phát huy lợi thế

Cà Mau nằm ở cực Nam của Việt Nam, là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng ÐBSCL, có 3 mặt giáp biển. Với chiều dài bờ biển 254 km, Cà Mau có tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thuỷ sản, du lịch sinh thái và du lịch biển đảo.

Về du lịch, tỉnh Cà Mau có trên 100.000 ha đất rừng, chủ yếu là rừng tràm, rừng đước ngập nước, đã được UNESCO công nhận là Khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển) thứ 2088 của thế giới. Với tiềm năng của rừng và biển, hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Các tuyến giao thông kết nối điểm du lịch chính như: Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn quốc gia U Minh Hạ được ưu tiên đầu tư; ngoài sân bay Cà Mau, trong khu vực còn 3 sân bay khác là Phú Quốc, Cần Thơ và Rạch Giá nên rất thuận lợi để phát triển các tour du lịch liên tỉnh, liên khu vực và quốc tế.

Về thuỷ sản, Cà Mau có diện tích ngư trường trên 70.000 km2, đội tàu trên 5.500 chiếc, sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi đạt trên 550.000 tấn/năm. Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được quy hoạch trở thành trung tâm nuôi, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Mỹ và EU. Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thuỷ sản hàng đầu cả nước.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 trung tâm điện lực và năng lượng lớn của ÐBSCL. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đến nay, Cà Mau có 14 dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư, với tổng cộng suất 800MW, đang triển khai thực hiện. Trong đó, đã có 03 dự án với tổng công suất 100MW vận hành thương mại.

Cà Mau cũng có lợi thế phát triển công nghiệp cảng, dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, vùng biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, có nhiều cơ hội để phát huy các tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới…

Lấy sự riêng biệt làm nền tảng phát triển

Với quan điểm đầu tư công dẫn dắt, tạo được nền tảng tốt đẹp, Cà Mau mong muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế lớn để khơi dòng phát triển. Theo đó, tỉnh đã có Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 06/6/2023 về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác đầu tư nước ngoài tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Đức Thánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, trên cơ sở Kế hoạch số 131/KH-UBND, các đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát, cải cách thế chế, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với việc thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm xử lý kịp thời những phát sinh trong thu hút đầu tư, Cà Mau cũng tăng cường các hoạt động đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.

Ngoài việc chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư lớn, tiềm năng trong và ngoài nước, như: Tập đoàn Korsy, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn T&T Group, Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Tuần Châu Group,... tỉnh cũng hỗ trợ cung cấp thông tin, dịch vụ và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc phân tích, quyết định đầu tư, thành lập doanh nghiệp và duy trì hoạt động của doanh nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét ban hành hoặc điều chỉnh, bố sung các cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Cà Mau hiện đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp cơ khí, đóng tàu, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, ưu tiên cho các dự án sản xuất các mặt hàng tinh chế, sản phẩm ăn liền xuất khẩu...; Thu hút các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, Khu kinh tế, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp công nghệ cao… Cà Mau cũng chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Đức Thánh, Cà Mau cũng mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đề xuất ý tưởng quy hoạch đối với các dự án lớn, trọng điểm như: Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, Dự án Khu Trung tâm - Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Dự án Khu du lịch sinh thái Cụm đảo Hòn Khoai, Dự án Cụm công nghiệp Hồ Thị Kỷ, Dự án Đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hoà Trung và Dự án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia U Minh Hạ…

Có thể bạn quan tâm

  • Cà Mau: Đòn bẩy từp/hạ tầng giao thông

    Cà Mau: Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông

    14:31, 12/08/2023

  • Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế

    Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế

    15:08, 29/07/2023

  • Công ty Khí Cà Mau tổ chức hội thao nghiệp vụ PCCC và Cứu hộ cứu nạn năm 2023

    Công ty Khí Cà Mau tổ chức hội thao nghiệp vụ PCCC và Cứu hộ cứu nạn năm 2023

    14:00, 24/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO