Sóc Trăng: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Với môi trường đầu tư thuận lợi, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, hạ tầng giao thông chiến lược được xây dựng, Sóc Trăng sẽ có sự đột phá mạnh mẽ về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Chia sẻ của ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Ông đánh giá thế nào về các trụ cột quan trọng, cần thiết, đưa Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ?
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Đồng thời, có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo đó, các trụ cột kinh tế giúp Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, gồm: Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiện đại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến...
Về công nghiệp, tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng lớn. Trong đó: Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế; Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.
Ngành dịch vụ: Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn theo hướng hiện đại đáp ứng tốt cung cầu của thị trường. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi, ưu tiên đầu tư tại cảng biển Trần Đề...
Tỉnh cũng tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chủ lực và sản phẩm du lịch bổ sung, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hóa, ẩm thực, tâm linh, lễ hội, sinh thái miệt vườn, sinh thái biển, nghỉ dưỡng... Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin...
- Việc đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông kết nối liên vùng đang được Sóc Trăng tập trung triển khai, coi đây là một trong những hướng đi mang tính đột phá, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Sóc Trăng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ. Với các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ đã bao phủ toàn tỉnh, với chiều dài trên 7.360km, bao gồm 5 tuyến giao thông đối ngoại: Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 61B dài hơn 260km; hệ thống giao thông đối nội gồm 17 tuyến đường tỉnh dài 425km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài 6.670km. Giao thông đường thủy nội địa dài 2.980km.
Trong thời gian tới, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ có bước phát triển đột phá với việc triển khai loạt dự án trọng điểm như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường Đông – Tây, Tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu… Đặc biệt, Cảng nước sâu Trần Đề được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch với định hướng trở thành cảng biển đặc biệt, cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ với năng lực tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100 ngàn tấn, tàu hàng rời 160 ngàn tấn...
Với tiềm năng sẵn có cùng hệ thống hạ tầng hiện đại thành hình trong vài năm tới, Sóc Trăng sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.
- Những lĩnh vực nào sẽ được Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế. Bao gồm: hành lang kinh tế ven biển, trọng tâm là dịch vụ du lịch, kinh tế biển; hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị bám tuyến Nam sông Hậu; hành lang kinh tế Đông - Tây, trọng tâm là nông nghiệp, công nghiệp chế biến; hành lang kinh tế trung tâm, trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và đô thị kết nối TP. Sóc Trăng với các địa bàn chiến lược.
Sóc Trăng cũng xác định 5 trụ cột thu hút đầu tư gồm: dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. Hiện tỉnh đang mời gọi đầu tư vào khoảng 90 dự án ở các lĩnh vực: hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thương mai, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị, năng lượng sạch…
- Trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm