Giải bài toán logistics ở Tây Nguyên
Được đánh giá là động lực phát triển kinh tế, logistics vùng Tây Nguyên đang được các bộ ngành và địa phương gấp rút xây dựng tới năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1130/2023 về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai cho hay: “Gia Lai có nhiều dự án thuộc nhóm logistics, trong đó có cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là tỉnh quy hoạch dự án Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên tại 2 xã Đak Ta Ley và Đak Jơ Ta. Dự án này vừa nằm trên trục đường Quốc lộ 19 kết nối giữa Pleiku và Quy Nhơn, rất thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu theo đường bộ hay cảng biển.”
Trong khi đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng triển khai thành lập khu chức năng Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Trung tâm logistics này sẽ phục vụ trực tiếp các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết kế hoạch này của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk là một trong những công việc cụ thể, đem lại cho thành phố những điều kiện quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông cũng đưa ra mục tiêu hình thành 01 trung tâm logistics hạng II tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp có quy mô trên 20 ha đến năm 2030. Trung tâm logistics này kết nối với các cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Theo kế hoạch của Chính phủ đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT xây dựng danh mục các dự án ưu tiên tập trung triển khai. Nhiệm vụ quan trọng của logistics ở Tây Nguyên là theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có thể bạn quan tâm