Đà Nẵng: Giá thuê đất cao làm khó doanh nghiệp
Tiền thuê đất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng lâm vào thế khó khi chưa thể phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch.
>>Đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo tại Đà Nẵng
Thời gian qua, vấn đề tiền thuê đất tại TP. Đà Nẵng tăng cao đã khiến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn lâm vào thế khó. Theo ý kiến của hầu hết doanh nghiệp, các đơn vị hiện nay vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn, chưa thể phục hồi kinh tế như thời điểm trước dịch.
Cùng với đó, một số đơn vị đang tái thiết hoạt động sản xuất – kinh doanh nên cần có nguồn kinh phí lớn. Với vấn đề giá thuê đất tăng cao từ 3-9 lần đã khiến nhiều đơn vị không thể xoay xở được. Trong khi đó, nếu không thực hiện nghĩa vụ, nhiều doanh nghiệp có thể bị ngành chức năng cưỡng chế thuế.
Nêu rõ vấn đề tại Hội nghị “Gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng” mới đây, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Kiểm toán, Thẩm định và Tư vấn Ecovis Afa Việt Nam cho rằng tiền thuê đất tăng cao theo đơn giá gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Theo vị này, mặc dù địa phương đã có biện pháp hỗ trợ giảm hệ số tính tiền thuê đất, giảm tỉ lệ giá đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại - dịch vụ so với đất ở, nhưng tiền thuê đất vẫn ở mức rất cao. Và đã có nhiều doanh nghiệp kiến nghị đến TP. Đà Nẵng về việc tiền thuê đất tăng đột biến (trung bình tăng 4 lần).
“Thành phố cần tiếp tục xem xét tỉ lệ giá thuê đất ở và đất thương mại - dịch vụ, sản xuất kinh doanh, có sự điều chỉnh cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, đề nghị thành phố kiến nghị Trung ương tháo gỡ”, ông Nguyễn Trọng Hiếu nêu đề xuất.
Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là về nguồn vốn, ông Hiếu cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về hạ lãi suất, nới room tín dụng, chương trình hỗ trợ cho vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác,... đến hiện tại có ít doanh nghiệp được thụ hưởng và còn vướng mắc nhiều quy định ở cả phía doanh nghiệp và ngân hàng. Cụ thể là nhiều ngân hàng thương mại không có chính sách rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp hiểu nhầm.
“Cho nên phải rõ ràng tất cả các chính sách liên quan đến mua bảo hiểm, bán trái phiếu, thời hạn trả nợ… để người tiếp cận vốn hiểu được và tiếp cận vốn không vướng mắc”, ông Hiếu nói thêm..
Trả lời doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho hay vấn đề tiền thuê đất ở địa phương thời gian qua thay đổi nhiều, trong đó chu kỳ 2015 - 2019 có tăng nhưng không phải là cao. Đối với gian đoạn hiện nay, ông Minh cho rằng bảng giá đất của Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2024 tăng rất cao, giá đất này đã tiệm cận với giá thị trường.
“Đối với nhiệm kỳ 2021 - 2026, thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng như giảm tỉ lệ tiền thuê đất từ 3% xuống còn 1%, tỉ lệ giữa đất thương mại, dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với đất ở theo khung tối đa là 90% xuống lần lượt còn 70% và 50%. Tuy nhiên, khi hạ tỉ lệ % xuống thì giảm không đáng kể, nên khi các doanh nghiệp thuê đất vào chu kỳ này chịu tiền thuê cao, kèm với tình hình kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp thêm khó”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Cũng theo vị này, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban ngành tiến hành rà soát lại các bảng giá đất, hệ số điều chỉnh, tỉ lệ nộp tiền thuê đất, tỉ lệ nộp tiền giữa tiền thuê đất dịch vụ - kinh doanh so với đất ở… Trong đó, các báo cáo sẽ được xem xét và sẽ trình HĐND thành phố thông qua kỳ họp cuối năm.
Đối với vấn đề tài chính ngân hàng, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết đơn vị đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng phải thường xuyên công khai minh bạch các chính sách để các doanh nghiệp cá nhân biết. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát các ngân hàng thương mại về vấn đề công khai minh bạch các chính sách liên quan đến mua bảo hiểm khoản vay, lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ,...
“Các doanh nghiệp có thể tích cực phản ánh về hoạt động các ngân hàng thương mại đến Ngân hàng Nhà nước. Nếu ngân hàng nào không minh bạch rõ ràng đề nghị các doanh nghiệp gọi điện thoại, gửi công văn về Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng can thiệp tối đa để đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp của doanh nghiệp được đảm bảo”, ông Võ Minh nói.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã lên tiếng về tiền thuê đất tang cao khiến bối cảnh khó càng thêm khó. Một số doanh nghiệp cho rằng mức tăng đã vượt quá khả năng chi trả của đơn vị. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị địa phương có chính sách hỗ trợ, tham mưu các cấp thẩm quyền để cân đối, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Có thể bạn quan tâm