Quảng Trị: “Chiếc áo” nay đã… chật ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay!

HỒNG QUANG 16/10/2023 01:37

Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) được nhiều doanh nghiệp vận tải ví như “chiếc áo thiếu vải” bởi cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, thiếu thốn về mọi mặt…

Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị mỗi ngày đón 300 - 400 lượt xe tải trọng lớn thông quan, tuy nhiên cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư kịp thời

Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị mỗi ngày đón 300 - 400 lượt xe tải trọng lớn thông quan, tuy nhiên cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư kịp thời

Được đánh giá là một trong những cửa ngõ thông quan quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, Cửa khẩu quốc tế La Lay có rất nhiều tiềm năng phát triển, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung. Vậy nhưng, khi “mục sở thị” nơi đây, nhóm PV Diễn đàn Doanh nghiệp không khỏi “dở khóc, dở cười” bởi sự “hoang sơ”, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng… đến lạ kỳ.

Cửa khẩu La Lay thuộc địa phận huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị được nâng cấp lên cửa khẩu chính vào ngày 30/4/1998 và nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế ngày 25/6/2014.

Tiếp đó, vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay” với mục tiêu đưa La Lay trở thành cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại; trở thành cầu nối quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và là động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung...

>>Quảng Trị: Thanh tra giao thông nói gì về xe quá khổ, quá tải?

Tuy nhiên, đã gần một thập kỷ trôi qua, việc đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay vẫn còn rất manh mún, chắp vá và chậm trễ; chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Đáng nói, nơi đây vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ những dịch vụ thiết yếu dành cho các doanh nghiệp vận tải liên vận hai nước Việt Nam – Lào.

Đầu tháng 10/2023 vừa qua, chúng tôi đã đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay để “mục sở thị” những thực trạng bất cập, hạn chế còn đang diễn ra tại nơi này. Theo đó, khác hoàn toàn với những cửa ngõ thông thương quan trọng khác ở khu vực miền Trung, Cửa khẩu Quốc tế La Lay tỏ ra “yếu thế” hơn hẳn khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

>>Logictics Quảng Trị: Những đòi hỏi bức thiết từ thực tế

Qua quan sát, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng những đoàn xe tải trọng lớn nườm nượp nối đuôi nhau ngược xuôi qua lại nơi Cửa khẩu Quốc tế La Lay mà không khỏi “dở khóc, dở cười”, cám cảnh về hạ tầng khu cửa khẩu này…!

Quốc lộ 15D – tuyến đường huyết mạch lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng khi phải gồng mình gánh chịu hàng trăm lượt xe tải trọng lớn qua lại mỗi ngày

Quốc lộ 15D – tuyến đường huyết mạch lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng khi phải gồng mình gánh chịu hàng trăm lượt xe tải trọng lớn qua lại mỗi ngày

Cụ thể, tại thời điểm PV có mặt, thời tiết ở La Lay diễn ra rất khó lường, mưa to gió lớn triền miên khiến cho con đường và bãi đất trống ngay mặt tiền cửa khẩu trở nên gồ ghề, lầy lội, nham nhở khó đi. Vậy nhưng, chỉ cách đó một đoạn khoảng 1km xuống dưới tuyến Quốc lộ 15D, hiện vẫn có hàng chục xe đầu kéo chở than đang nối đuôi nhau “chờ chực” để thông quan...

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Bá Linh – Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại tại cửa khẩu này là rất lớn; trong đó mặt hàng chủ yếu là than; qua đó đã góp phần mang lại nguồn thu dồi dào cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tính đến ngày 30/9, có khoảng 86.000 lượt phương tiện vận tải thông quan với tổng kim ngạch đạt khoảng 203 triệu USD; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 460 tỷ đồng, vượt gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra”.

>>Quảng Trị: Công nhân đội mưa thảm nhựa đường?

“Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 – 400 lượt phương tiện vận tải qua lại cửa khẩu, chủ yếu là xe tải trọng lớn vận chuyển than đá nhập khẩu từ Lào về Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn nhất của Cửa khẩu Quốc tế La Lay, đó là hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn còn thiếu rất nhiều hạng mục, chưa đáp ứng đầy đủ mọi dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 15D quá hẹp và nhiều khúc cua cũng là trở ngại lớn cho Cửa khẩu Quốc tế La Lay”, ông Linh chia sẻ.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng, trong thời gian tới, hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế La Lay sẽ được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam - Lào

Doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng, trong thời gian tới, hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế La Lay sẽ được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam - Lào

Ông Hoàng Bá Linh cũng mong muốn, hệ thống cơ sở hạ tầng ở cửa khẩu sớm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. “Nếu tuyến Quốc lộ 15D được cải thiện, nâng cấp và hệ thống hạ tầng được hoàn thiện thì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa, mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách Nhà nước”, ông Linh khẳng định.

Được biết, mới đây Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó, bao gồm tuyến Quốc lộ 15D, đoạn từ Quốc lộ 1 đến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đoạn từ đường mòn Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay với tổng mức đầu tư 1.387 tỉ đồng, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực (2024 - 2028).

Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải khi thông quan vào Việt Nam, ông Hoàng Bá Linh - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan này thông tin rằng, do hạ tầng chưa đáp ứng nên Chi cục chưa được trang bị cân tải trọng phương tiện nên phải sử dụng phương pháp cân đo thủ công.

“Tuy nhiên, đơn vị chúng tôi có các cách thức, biện pháp nghiệp vụ chuyên môn để kiểm tra, kiểm soát tốt vẫn đề tải trọng và dễ dàng phát hiện phương tiện quá tải. Các anh có thể để ý thấy, các xe tải đều có vạch sơn trên thùng chở hàng, đó là do chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải đánh dấu “vạch tải trọng” nhằm dễ dàng nhận diện phương tiện có quá tải trọng hay không”, ông Linh nói.

Có thể bạn quan tâm

  • "Mục sở thị" công nghệ hiện đại của MDF Quảng Trị

    09:41, 31/08/2023

  • Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trịp/Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?

    Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trị Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?

    13:46, 29/08/2023

  • Nuôi tôm tự phátp/tại Quảng Trị: Kỳ I - Môi trường “kêu cứu”

    Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trị: Kỳ I - Môi trường “kêu cứu”

    01:00, 27/08/2023

  • Quảng Trị “trải thảm” đón FDI

    Quảng Trị “trải thảm” đón FDI

    14:53, 10/08/2023

HỒNG QUANG