Ở ven biển Quảng Trị, mô hình nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa và hoa màu, nhưng môi trường, địa chất có dấu hiệu bị tàn phá trầm trọng sau 20 năm.
Hàng trăm ha nuôi trồng tôm ở ven biển Quảng Trị đã khiến nước mặn xâm nhập, phá vỡ kết cấu thổ nhưỡng, không còn khả năng phục hồi để trồng lúa, hoa màu.
Đưa ao tôm… vào vườn nhà
Xã Triệu An (huyện Triệu Phong - Quảng Trị) có hai mặt giáp hạ lưu sông Thạch Hãn, một mặt giáp biển Đông, bao bọc xung quanh bởi nguồn nước mặn và hệ sinh thái thủy sinh phong phú rất thuận lợi để nuôi trồng thủy hải sản.
Tuy nhiên, đến Tường Vân, chúng tôi không khỏi bất ngờ với hàng loạt ao tôm trên đất trồng hoa màu từ vài chục đến hàng trăm mét vuông nằm xen lẫn giữa ruộng lúa, khu dân cư, máy sục khí chạy rào rào suốt ngày đêm. Nhưng khó tin nhất là mô hình “độc lạ” mà chúng tôi lần đầu chứng kiến: ao nuôi tôm được đào ngay trong khuôn viên nhà ở.
Theo thống kê, các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) và xã Hải An (huyện Hải Lăng) có tổng cộng 202,5 ha nuôi tôm, trong đó phần lớn “xâm thực” đất hoa màu, đất lúa chưa được quy hoạch chuyển đổi.
Được biết, phong trào nuôi tôm ven biển Quảng Trị xuất hiện từ cách đây 20 năm. Trải qua nhiều cuộc bể dâu với loài hải sản đỏng đảnh này cũng giúp không ít người dân khấm khá, nhưng cũng chẳng ít người “bỏ ao, cứu mạng”. Thế rồi, một bộ phận chẳng còn ngó ngàng đến trồng lúa, hoa màu; tự phát mở rộng diện tích nuôi tôm, khiến nước mặn xâm nhập phá vỡ kêt cấu thổ nhưỡng, nguồn nước sinh hoạt biến đổi đến mức khó cứu vãn.
Đơn cử tại thôn Tường Vân có hơn 38/80 ha ruộng lúa bị bỏ hoang hoàn toàn bởi không canh tác được đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Những năm gần đây, trên địa bàn thôn Tường Vân lại có thêm một số hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất trồng hoa màu trong khu dân cư với diện tích khoảng 8 - 9 ha.
Điều đáng nói, đất trồng lúa, hoa màu sau khi đào ao, dẫn mặn nuôi tôm hoàn toàn không còn khả năng phục hồi. Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, Đặng Quang Hải cho biết: “Sau khi người dân không nuôi tôm nữa, thì họ cũng không thể trồng được hoa màu trên diện tích đất đó, mà chỉ có thể trồng được cây dương liễu, tràm hoa vàng”.
Tận thấy hệ quả
Rất khó tin rằng, một vùng quê ven biển thanh bình như Triệu An vốn rất trong lành nay lại gánh chịu tình trạng ô nhiễm nguồn nước đến mức báo động. Nhiều con mương đen ngòm do hoạt động súc rửa ao nuôi tôm phát thải, bốc mùi hôi tanh.
Hàng trăm hộ dân khổ sở tìm nguồn nước ngọt do hệ thống giếng và mạch ngầm hoàn toàn bị nhiễm phèn, mặn. Ông Hoàng Lập, sống tại thôn Tường Vân buồn bã nói: “do nước nhiễm phèn, mặn quá nặng nên áo quần giặt phơi xong là bị khô cứng, tắm thì bị dị ứng ngứa ngáy rất khó chịu. Ngay cả khi rửa chân, người ta cũng chịu không nổi vì hàm lượng muối quá cao”.
Nhiều gia đình phải mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3 về dùng cho việc tắm rửa, giặt áo quần; còn nước để ăn uống thì mua nước đóng bình. Trung bình mỗi ngày gia đình ông Lập tốn khoảng 100.000 đồng để mua nước sạch, đây là số tiền không nhỏ đối với mức thu nhập ở nông thôn hiện nay. Được biết khoảng 194 hộ dân ở Tường Vân lâm cảnh thiếu nước sạch vào mùa khô.
Sau 20 năm phong trào nuôi tôm tự phát thiếu kiểm soát tại xã Triệu An đã phá vỡ làng nghề muối có lịch sử lâu đời, làm “mất tích” hồ chứa nước thủy lợi phục vụ thau chua rửa mặn, tưới tiêu cho lúa và hoa màu. Nói đúng hơn, việc xóa bỏ hệ sinh thái nước ngọt dẫn đến hệ quả xót xa hiện nay.
Người nuôi tôm có lãi đã đành, còn đa số dân cư sống nhờ trồng lúa, hoa màu đang chịu “vạ lây” sau khi đất đai không thể canh tác, phát sinh chi phí sinh hoạt trong bối cảnh sinh kế ngày một khó khăn.
Năm 2006, người dân nơi đây tưởng chừng đã thoát kiếp nạn thiếu nước sinh hoạt khi được nhà nước đầu tư công trình cấp nước trị giá 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình đưa vào sử dụng chưa đầy hơn 3 tháng lại phải đóng cửa do nguồn nước đầu vào không đảm bảo, hàm lượng tạp chất trong nước quá lớn không thể xử lý.
Đặc tính dân cư nông nghiệp thường mưu sinh theo kiểu mùa vụ, cái gì có lợi trước mắt thì họ làm. Điều đáng nói ở đây là chính quyền, các cơ quan chuyên môn ở địa phương đã làm gì trong thời gian dài môi trường sinh thái, thổ nhưỡng bị “bức tử”?
Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?
Có thể bạn quan tâm
Khởi động dự án trồng rừng bảo vệ đa dạng sinh học tại trang trại nuôi tôm C.P. Việt Nam
11:00, 11/08/2023
Giải pháp tăng năng suất, chất lượng giống lúa ST (ST24, ST25) canh tác trên nền đất nuôi tôm tại Kiên Giang
09:34, 06/07/2023
NGUY CƠ LỚN CỦA ĐBSCL: Làm sao để không bị nuôi tôm “10 vụ mất 4”
05:05, 15/04/2022