Tam giác phát triển ba nước Đông Dương: Cần một cơ chế
Tam giác phát triển giữa ba nước Việt Nam – Lào- Campuchia đang cần một chế chính sách ưu đãi để phát triển ngang bằng như những khu kinh tế khác trong nội địa.
>>Tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược
Đây là kiến nghị của UBND tỉnh Gia Lai, trong chuyến khảo sát chung lần đầu tiên giữa Quốc hội ba nước Việt Nam – Lào Campuchia. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng và nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước lần thứ nhất diễn ra tháng 12/2023.
Được hình thành từ năm 1999, hơn 20 năm qua 5 tỉnh của Việt Nam có tốc độ phát triển 8,62%. Khu vực tam giác phát triển đã phát huy vai trò là cơ chế hiệu quả, gắn kết ba nước láng giềng thân thiết, đảm bảo hòa bình, an ninh, chính trị, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Tuy nhiên đến nay, sự phát triển của khu vực này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào đạt 1,19 tỷ USD, kim ngạch giữa Việt Nam và Campuchia đạt 6,5 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 395 triệu USD, sang Campuchia đạt 3,73 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 802 triệu USD, từ Campuchia đạt 2,77 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 206 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư là 2,94 tỷ USD. Trong đó, có 45 dự án nằm trong khu vực tam giác phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư là 1,679 tỉ USD, chiếm 21,8% tổng số dự án và 57% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia.
Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 5,47 tỷ USD, trong đó có 77 dự án đầu tư vào khu vực tam giác phát triển là 2,052 tỉ USD, chiếm 31,9% tổng số dự án.
>>Hải Dương gặp gỡ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp tại Bỉ
Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và khu vực tam giác phát triển đã hình thành cửa khẩu để kết nối xuất nhập khẩu, khai thác vận tải thương mại, du lịch. Về phía Việt Nam, các địa phương Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước (các tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển) có những kiến nghị thiết thực để tăng cường vai trò của nghị viện ba nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết, thịnh vượng, thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế Campuchia, Lào và Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, lông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị “xây dựng các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển như chính sách đầu tư, thuế suất ưu đãi, cơ chế huy động vốn… Đồng thời hướng tới một khu vực kinh tế cân bằng chung và sớm thu hẹp khoảng cách của Khu vực với các vùng kinh tế của ba nước. Ngoài ra nâng mức hạn ngạch vận tải thương mại giữa Việt Nam - Campuchia, tiến đến xóa bỏ hạn ngạch vận tải. Đồng thời đề nghị Trung ương xem xét lập quy hoạch đường cao tốc CT.20 kết nối Quy Nhơn ‐ Pleiku ‐ Lệ Thanh và cao tốc của tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Xây dựng bệnh viện đa khoa trong khu vực tam giác phát triển.”
Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông kiến nghị “Chính phủ Việt Nam – Campuchia xem xét, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cửa khẩu Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông) – Bu Sara (tỉnh Mondulkiri - Campuchia) thành cửa khẩu Quốc tế giai đoạn 2025-2030 để thúc đẩy phát triển khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.”
Ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói, “Đây là chuyến khảo sát chung lần đầu tiên giữa Quốc hội ba nước, hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa nhằm chuẩn bị cho hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tháng 12-2023. Đồng thời, góp phần gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, hợp tác nhiều mặt giữa ba nước.”./.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Định hướng thu hút đầu tư xanh
10:12, 19/10/2023
Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng
09:02, 19/10/2023
Khung cảnh lay lắt bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
13:46, 18/10/2023
Hải Dương xúc tiến thương mại thành phố London nước Anh
08:09, 17/10/2023
Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác với thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc)
08:59, 16/10/2023