Kon Tum: Cải thiện môi trường kinh doanh, “hút” nhà đầu tư
Với chính sách trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, tỉnh Kon Tum rộng cửa chào đón và sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Minh Châu thực hiện
Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Ông đánh giá thế nào về các hoạch định trụ cột, các điều kiện cần thiết giúp kinh tế Kon Tum “cất cánh”?
Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng Kon Tum trở thành trung tâm giao thương giữa Việt Nam và các khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN.
Trên cơ sở đó, Kon Tum đã trình Chính phủ phê duyệt Dự thảo Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tỉnh Kon Tum xác định đưa ra với đột phá với 3 trung tâm đô thị - 3 hành lang - 3 trung tâm động lực.
Mục tiêu đến năm 2030, Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mekong, các nước láng giềng và ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới trở thành cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mekong.
Xác định “Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tỉnh Kon Tum cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương tiếp thu, các ý kiến thẩm định, triển khai rà soát kỹ lưỡng toàn bộ nội dung quy hoạch để hoàn chỉnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế hiện có giúp Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Với những nỗ lực xây dựng Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xin ông cho biết kết quả thu hút đầu tư vào Kon Tum trong thời gian qua?
So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum không có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, song nhờ thực hiện nhiều giải pháp tích cực.
Mục tiêu của Kon Tum là thu hút đầu tư vào 4 trụ cột ưu tiên (nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch, phát triển đô thị) sẽ là khâu đột phá chiến lược, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Kon Tum thu hút 69 dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 14 dự án trên lĩnh vực công nghiệp; 40 dự án trên lĩnh vực văn phòng, thương mại, dịch vụ, du lịch; 31 dự án trên lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị.
Về lĩnh vực phát triển đô thị, Kon Tum sẽ thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn như: Khu đô thị mới phía Tây đường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum với quy mô 80 ha với vốn đầu tư 690 tỷ đồng; các dự án tại khu đô thị - du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao quy mô hơn 283 ha với tổng vốn đầu tư 859 tỷ đồng; khu đô thị mới Plei Kần với tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỉnh Kon Tum sẽ kêu gọi đầu tư vào khu đô thị, tổ hợp dịch vụ, du lịch thuộc phân khu Đông Nam, thị trấn Măng Đen quy mô 273 ha với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng; khu dân cư nông thôn mới kết hợp thương mại, dịch vụ dọc tuyến quốc lộ 24 vốn đầu tư 661 tỷ đồng;
Tín hiệu vui là Kon Tum đã thu hút được các nhà đầu tư lớn và tập đoàn có tiềm lực đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Intracom, Tổng công ty Vinaconex, Vimeco, Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vị Trí Vàng... thu hút được 53 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ đồng, ước thực hiện đến cuối năm 2023 có 985 doanh nghiệp thành lập mới.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,87%, cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó, Kon Tum thu hút được 08 dự án đầu tư ngoài KCN và KKT với tổng vốn đăng ký khoảng 1.547 tỷ đồng.
- Năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố (tăng 24 bậc so với năm 2021) là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay, xin ông cho biết các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của tỉnh, thưa ông?
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho tỉnh Kon Tum, tạo ấn tượng tốt đối với các nhà đầu tư.
Để có được thành công này, tỉnh Kon Tum đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Chú trọng nâng cao chất lượng điều hành của các cấp chính quyền, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư cũng như triển khai dự án. Trong đó, đáng chú ý đó là UBND tỉnh duy trì chương trình “Cà phê doanh nghiệp, doanh nhân” vào trung tuần hàng tháng; hàng năm tổ chức “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
Đồng thời, triển khai ngay Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Tỉnh Kon Tum mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền các cấp, bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia, đóng góp những ý tưởng, giải pháp, những phản hồi mang tính xây dựng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới, cùng nhau chia sẻ, đồng thuận để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai và minh bạch.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm