Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI
Với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu nâng cao và chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước về Chỉ số PCI vào năm 2025.
>>Thanh Hóa DDCI 2022: Truyền lửa cải cách về cơ sở
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của các cơ quan hành chính nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa đã có bước chuyển biến rõ nét; các chỉ số đánh giá của tỉnh năm 2022 do Trung ương công bố có kết quả như sau: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh đứng thứ 3 cả nước (giữ hạng so với năm 2021); Chỉ số hài lòng đứng thứ 5 cả nước (tăng 19 bậc so với năm 2021) và Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 10 cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2021), cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tuy có tăng về giá trị điểm (đạt 63,67 điểm, tăng 0,46 điểm so với năm 2021), nhưng thứ hạng không được duy trì, đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 4 bậc so với năm 2021).
Nhìn lại giai đoạn 2013 – 2015, Chỉ số PCI của Thanh Hóa đã từng nằm trong nhóm tốt của cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Điển hình như năm 2013 đứng thứ 8 cả nước, năm 2014 đứng thứ 12 và năm 2015 vươn lên thứ 10 cả nước. Thế nhưng, Thanh Hóa lại không duy trì và giữ vững được vị trí này trên bảng xếp hạng khi rời khỏi top 10 và tụt xuống thứ 31 vào năm 2016 (giảm 21 bậc so với năm 2015). Trước thực trạng này, tháng 1/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 5552/QĐ-UBND về thành lập ban chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh trên cơ sở hợp nhất ban chỉ đạo cải thiện chỉ số cải cách hành chính và ban chỉ đạo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với 50 thành viên. Đây được xem là “giải pháp mạnh” và cũng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Thế nhưng, sau 1 năm ban chỉ đạo ra đời và đi vào hoạt động, Chỉ số PCI của Thanh Hóa vẫn không được cải thiện, thậm chí lại “tụt dốc” khi năm 2022 xếp thứ 47 cả nước. Đây là thứ hạng thấp nhất của Thanh Hóa kể từ năm 2007 đến nay.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua khảo sát, đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa đứng đầu khu vực Miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước. Tuy nhiên, theo công bố của VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cấp chính quyền Thanh Hóa lại đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh sự xung đột: khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính của cán bộ, công chức. Đây chính là mấu chốt của "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: “Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và có nhiều đường hướng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo địa phương đã dũng cảm đối mặt với những hạn chế, yếu kém của địa phương để cùng đưa ra các quyết sách cải thiện thay đổi chỉ số. Minh chứng đó là hành động cụ thể trong DDCI tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ là giải pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, DDCI Thanh Hóa còn là thông điệp thể hiện sự cầu thị, quan tâm của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển bền vững trên nền tảng kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng.
>>30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Bạn đồng hành cùng chương trình PCI
>>Thanh Hóa: Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” chỉ số PCI mới được nâng cao
Cũng bắt nguồn được những hạn chế, “điểm nghẽn”, cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã cùng vào cuộc. Từ chương trình hành động, từng chỉ số cụ thể đã được giao cho các cấp, các ngành liên quan theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình”. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, bố trí đủ nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo hoàn thành những công việc được giao chủ trì thực hiện. Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đảm bảo chương trình được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Gần đây nhất, Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 30/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ rõ: Nhiều công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, nhưng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm tiến độ, chưa chủ động, thiếu quyết liệt, chất lượng tham mưu chưa đảm bảo theo yêu cầu. Người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao. Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, trả lời, hướng dẫn chung chung, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; một số cơ quan chủ trì tham mưu, đề xuất chỉ mang tính đối phó, không rõ nội dung, lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình...
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nhấn mạnh: Những “điểm nghẽn” chưa được khơi thông, nhiều “nút thắt” trong thực thi công vụ chưa được cởi bỏ là nguyên nhân khiến Chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa 3 năm liên tục đều ở mức thấp trên bảng xếp hạng của cả nước. “Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc chưa chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực, thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên”. Việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ yếu tố con người, do đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, hết lòng phục vụ, vì sự phát triển chung của tỉnh. Chỉ khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mới xây dựng được môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển và Chỉ số PCI của Thanh Hóa mới được nâng cao.
Như vậy, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa DDCI 2022: Truyền lửa cải cách về cơ sở
17:52, 24/04/2023
30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Bạn đồng hành cùng chương trình PCI
07:10, 05/11/2023
Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
17:13, 09/11/2023
Thanh Hóa: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu từ đoàn thanh niên
16:49, 31/10/2023