Thanh Hóa: Gỡ khó cho dự án nghìn tỷ đồng

KIM OANH 16/11/2023 01:00

Sau 15 năm thi công, dự án hồ Bản Mồng đến nay vẫn “ì ạch” chờ di dân, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực gỡ vướng với hy vọng đẩy nhanh tiến độ dự án.

>>Quảng Ninh: Khó khăn trong thu hồi các dự án chậm tiến độ

Chậm giải phóng mặt bằng

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa lên đến 225 triệu m3, với kinh phí dự kiến tổng mức đầu tư của hợp phần là 516,708 tỷ đồng, bao gồm 3 nội dung công việc chính là: Phần bồi thường, hỗ trợ nơi đi và nơi đến; đầu tư xây dựng tái định cư và trồng rừng thay thế. Đây là dự án quan trọng của quốc gia, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và một phần cho tỉnh Thanh Hóa.

Sau 15 năm thi công, dự án hồ Bản Mồng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Sau 15 năm thi công, dự án hồ Bản Mồng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Dự án hồ Bản Mồng là công trình đa mục tiêu, vừa cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, lại bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Lam, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu, đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW, cũng như phát triển du lịch.

Dự án thực hiện việc đầu tư xây dựng khu tái định cư 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân); thực hiện việc hỗ trợ, đền bù đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ và khu tái định cư; thực hiện công tác trồng rừng thay thế cho 586,45 ha.

Sau 15 năm thi công, hồ Bản Mồng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng khu vực ngập của lòng hồ và vẫn phải duy trì duy tu, bảo dưỡng các hạng mục đã xây dựng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng 4, Bộ NN&PTNT, cụm công trình đầu mối đã thi công đạt 94% khối lượng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2020 đến nay, do thiếu vốn giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ nên các công trình đầu mối phải dừng thi công để tránh ngập lụt lòng hồ; tràn xả lũ tạm dừng ở cao độ +54,5m/ +63,6m. Vì vậy, hồ chưa tích được nước, ảnh hưởng đến các mục tiêu tưới, phòng lũ và phát điện của Dự án.

>>Hải Phòng: Mạnh tay với những dự án chậm tiến độ

Tổng diện tích đất vùng lòng hồ bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 681,28 ha, trong đó có 586 ha rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng. UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án di dân, tái định cư cho 119 hộ dân khu vực này với tổng nguồn vốn dự kiến là 82,3 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn vốn cho trồng rừng thay thế).

Nỗ lực tháo gỡ khó cho dự án

Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn tới dự án kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các hộ dân. Đối với việc hỗ trợ, đền bù và tái định cư, với quỹ thời gian gấp rút rất khó để hoàn thành các công việc của hợp phần. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất như đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, chưa có cơ sở điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất thủy lợi để thực hiện dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa nỗ lực tháo gỡ khó khăn với hy vọng đẩy nhanh tiến độ dự án

UBND tỉnh Thanh Hóa nỗ lực tháo gỡ khó khăn với hy vọng đẩy nhanh tiến độ dự án

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, bổ sung kinh phí và điều chỉnh thời gian thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân với tổng kinh phí thực hiện hợp phần là 488,9 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh này cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân đến hết năm 2025.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cho biết: “Trong thời gian chờ thủ tục pháp lý của cấp có thẩm quyền điều chỉnh phê duyệt dự án, sở cũng đã phối hợp với các ngành tuyên truyền để bà con tiếp tục yên tâm sản xuất trên vùng ảnh hưởng của dự án và chuẩn bị tâm thế tốt nhất đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với cơ quan Trung ương sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án để có cơ sở triển khai nội dung tiếp theo”.

Thanh Hóa tiếp tục cân đối diện tích để di dân tái định cư cũng như diện tích để chặn dòng mở rộng lòng hồ theo thiết kế, sớm hoàn tất các thủ tục để ký thỏa thuận cân đối diện tích phục vụ dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để phát triển bền vững

    Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để phát triển bền vững

    08:32, 15/11/2023

  • Thanh Hóa công bố ‘đề bài’ dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn 1.500 MW

    Thanh Hóa công bố ‘đề bài’ dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn 1.500 MW

    19:05, 14/11/2023

  • Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI

    Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI

    14:22, 13/11/2023

  • Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn

    Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn

    17:13, 09/11/2023

KIM OANH