Xác định xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi hướng tới phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã chú trọng phát triển thương hiệu, khẳng định vị trí trên thương trường.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 21 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, quảng bá và phát triển thương hiệu riêng. Đến nay, nhiều thương hiệu tại Thanh Hóa đã và đang được định vị trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Chia sẻ câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Đỗ Đình Hiệu – Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết, sau đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, tiếp đến là chiến sự Nga-Ukraine không chỉ trực tiếp làm gián đoạn các chuỗi cung ứng liên quan, gây hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Dù nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn luôn cố gắng tìm nhiều giải pháp tích cực để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Trong số đó, có doanh nghiệp đổi mới chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu xã hội và bước đầu gặt hái thành công, giúp nâng cao được uy tín, thương hiệu doanh nghiệp trên thương trường.
Thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sự thành công của doanh nghiệp. Để xây dựng một thương hiệu có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại yến sào Xứ Thanh cho rằng, công ty anh từ một hộ nuôi chim yến nhỏ giờ đây đã trở thành một công ty lớn mạnh, sản phẩm của công ty vươn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước và thế giới. Để làm được điều này thì cần có chiến lược thương hiệu tốt, thương hiệu cần phải có tính chân thật, phù hợp với đối tượng phục vụ và lan toả đến cộng đồng. Đặc biệt, thương hiệu phải có tính bền vững, nuôi dưỡng và phát triển lâu dài vì việc xây dựng thương hiệu không chỉ thực hiện trong vài tháng hoặc một năm, mà doanh nghiệp phải lưu giữ trong nhiều năm liên tục.
“Khi doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu huy tín trên thị trường, thì nó không chỉ mang lại lợi nhuận trước mắt, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, là nền tảng cho văn hóa doanh nghiệp trong tương lai”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới khẳng định, một thương hiệu có thể tồn tại được trên thương trường lâu hay không, được người dùng tin tưởng hay không thì sản phẩm của thương hiệu ấy phải là sản phẩm tốt, uy tín, được các cơ quan chức năng kiểm định đầy đủ.
>>Yên Châu (Sơn La): Xây dựng thương hiệu nông sản
>>Xây dựng thương hiệu từ Tâm và Tín
Từ một loại cây mọc quanh bờ ruộng ở Thanh Hóa, ông Trần Văn Tân cùng đội ngũ của mình đã dày công nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ loại cây này như bột rau má, thạch rau câu… những sản phẩm này khi được tung ra thị trường đã được người tiêu dùng đánh giá rất cao, và lượng tiêu thụ lớn. Với những thành công bước đầu, Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư vào khoa học - kỹ thuật, cải tiến quy trình và các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng.
“Thương hiệu cần có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng. Đồng thời, thương hiệu được xây dựng không nên chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu không chỉ để khách hàng nhận diện doanh nghiệp mà nó còn phải là thương hiệu được yêu mến như vậy mới được gọi là thành công”, ông Tân chia sẻ thêm.
Để khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ xây dựng thương hiệu, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng được nhiều thương hiệu giá trị được ưa chuộng trên thị trường trong nước và khu vực.
Cụ thể, Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm. Đồng thời, UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư mới; các ngành, các địa phương tập trung khai thác các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo tiêu chí riêng của ngành mình, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng phát triển thương hiệu. Trong đó, ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nhân rộng mô hình khuyến công, xúc tiến thương mại…
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của các ngành chức năng, các địa phương đang từng bước phát huy hiệu quả, thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa công bố ‘đề bài’ dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn 1.500 MW
19:05, 14/11/2023
Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI
14:22, 13/11/2023
Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
17:13, 09/11/2023
Bá Thước (Thanh Hóa): Xây dựng hạ tầng nhằm phát triển kinh tế bền vững
13:43, 01/11/2023