Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển Quảng Ngãi
Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển với tổng chiều dài bờ biển khoảng 130km và có 06 cửa biển, 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển và 01 huyện đảo.
Quảng Ngãi cũng có cảng biển nước sâu Dung Quất, nhiều thuận lợi từ cộng đồng dân cư để đưa kinh tế biển phát triển.
Hoạch định tiềm năng
Qua tìm hiểu, kim ngạch xuất khẩu các ngành kinh tế biển của Quảng Ngãi chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hoá thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất luôn vượt chỉ tiêu, dịch vụ, du lịch ven biển tăng trưởng, khai thác thủy sản thuận lợi,...
Theo kế hoạch đến năm 2025, kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn tại Quảng Ngãi đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh. Trong đó, các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất hằng năm khoảng 69 - 70%,...
Để đạt được mục tiêu, địa phương này sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển, đảo chất lượng cao. Phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, lịch sử dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, đảo.
Về định hướng cụ thể, tại Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, các khu đô thị ven biển, đảo được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước tập trung, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Đồng thời, xây dựng hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch, phát triển các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp ở khu vực ven biển và đảo, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án dịch vụ, du lịch được cấp phép đầu tư.
Quảng Ngãi cũng sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo, triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu trong và ngoài. Phát triển du lịch trên huyện đảo Lý Sơn theo hướng du lịch xanh, sinh thái và được công nhận là Khu du lịch quốc gia, nâng cao năng lực Khu Bảo tồn biển Lý Sơn làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trên đảo phát triển du lịch cộng đồng,...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Để vực dậy kinh tế biển, tỉnh Quảng Ngãi xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, tại địa phương cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp nặng có quy mô lớn, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sạch tại các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, năng lượng, chế biến, các ngành kinh tế biển mới.
Song song với đó, Quảng Ngãi muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước khôi phục, phát triển hợp lý ngành công nghiệp đóng tàu, nâng cao năng lực các cở sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cải hoán tàu vỏ thép, composite và vật liệu mới chất lượng cao đủ khả năng khai thác xa bờ.
“Phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Huy động nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển,...”, kế hoạch nêu rõ.
Về phát triển du lịch biển, đảo, ông Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ngãi kiến nghị, cần chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, tăng trưởng số lượng khách phù hợp với sức chứa điểm đến. Cần bố trí nguồn lực, thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, xây dựng đảo bé thành đảo du lịch sạch, không carbon. Song song là phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng tính trải nghiệm và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch.
Có thể bạn quan tâm