Đồng Tháp: Thu hút đầu tư phát triển KKT, KCN
3 KCN của Đồng Tháp đang có tỷ lệ lấp đầy từ 83% đến 96%. Các doanh nghiệp trong KCN đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Tấn Xiếu - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, KKT, tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về việc thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư đến với các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp?
Với vị trí thuận lợi về giao thông thủy và giao thông bộ cùng với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Đồng Tháp nói chung và các KCN trên địa bàn nói riêng là điểm đến đầu tư. 3 KCN hiện hữu của Đồng Tháp đang có tỷ lệ lấp đầy từ 83% đến 96%. Các doanh nghiệp trong KCN đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:
KCN Sa Đéc nằm cạnh ĐT848, giáp với sông Tiền và kênh Lấp Vò Sa Đéc, cách QL 80 khoảng 4,0 km, hệ thống giao thông nội bộ hoàn chỉnh, có bến cảng Sa Đéc tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn đặt tại KCN... KCN Sa Đéc đã thu hút được 41 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.269 tỷ đồng, trong đó có 08 dự án FDI. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 90,02%.
KCN Sông Hậu, nằm cặp Quốc lộ 54 và giáp với sông Hậu; khoảng cách từ KCN đến trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 30 km, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 164 km. KCN Sông Hậu có 09 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.788 tỷ đồng, trong đó có 02 dự án FDI, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,57%. Các ngành nghề đã thu hút đầu tư vào KCN Sông Hậu gồm: chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, may mặc, chế biến nhựa, chế biến thực phẩm, trích ly dầu gạo…
KCN Trần Quốc Toản nằm cặp Quốc lộ 30 và sông Tiền; cách trung tâm TP Cao Lãnh khoảng 11 km, gần cảng Cao Lãnh với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000 tấn. KCN Trần Quốc Toản có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 96,85%, với 11 dự án, trong đó có 02 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.503 tỷ đồng. Các ngành nghề đã thu hút đầu tư vào KCN này gồm: chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất giày, vật liệu xây dựng, bia, bao bì.
- Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu trong xúc tiến thu hút đầu tư?
Đồng Tháp có 01 KKT cửa khẩu với quy mô 31.936 ha, có 02 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà. Có 05 cửa khẩu phụ là Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú, Thông Bình. Đến nay, tổng diện tích đất sạch được UBND tỉnh Đồng Tháp giao quản lý là 79,6 ha. Trong đó, đất mời gọi dự án đầu tư tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà là 30,27 ha và cửa khẩu quốc tế Thường Phước là 9,53 ha; đủ điều kiện về hạ tầng để các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể:
Về giao thông bộ từ cửa khẩu đến PnomPenh (Campuchia) chỉ 100 km; từ cửa khẩu đến TP. Hồ Chí Minh 180 km. Về giao thông thủy rất thuận lợi, sông Tiền để vận chuyển hàng hóa từ Campuchia qua Việt Nam đi ra biển Đông thông qua cửa khẩu quốc tế Thường Phước. Hiện tại và cho đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang được Trung ương tập trung đầu tư 02 tuyến cao tốc (Hồng Ngự - Trà Vinh và An Hữu – Cao Lãnh nối với điểm giao tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) sẽ giúp kết nối, lưu thông hàng hóa thuận lợi với các trung tâm kinh tế ở khu vực phía Nam.
Về giao thông đối ngoại đã kết nối KKT cửa khẩu với các trục giao thông chính của quốc gia hai nước như: Đường 312 kết nối cửa khẩu Dinh Bà với Quốc lộ 01 phía Campuchia, Quốc lộ 30 kết nối cửa khẩu Dinh Bà với huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và đi TP. Hồ Chí Minh. Ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước có đường ĐT841 kết nối cửa khẩu với huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự nối Quốc Lộ 30 đi Cao Lãnh, các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có sông Tiền kết nối Campuchia - Việt Nam ra biển Đông thông qua cửa khẩu quốc tế Thường Phước.
Hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà đã thu hút được 06 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 127,907 tỷ đồng, các lĩnh vực hoạt động gồm: kho, bến bãi lên xuống hàng hóa, bến xe, chợ, trạm xăng, dầu.
Hiện tại Đồng Tháp đang triển khai quy hoạch quy hoạch chi tiết (1/500) khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và lô F cửa khẩu Thường Phước để mời gọi đầu tư các dự án: cảng, trung tâm thương mại, trung tâm trao đổi mua bán hàng hóa, chế biến lương thực, kho, bãi,…
- Theo ông đâu là lợi thế của tỉnh Đồng Tháp trong thu hút đầu tư?
Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, cách TP. Hồ Chí Minh 165 km về phía Tây Nam, có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài hơn 48 km; phía Bắc giáp tỉnh PrâyVeng (Campuchia), phía Nam giáp Vĩnh Long và TP Cần Thơ, phía Tây giáp An Giang, phía Đông giáp Long An và Tiền Giang.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang là vựa lúa lớn thứ 3 của cả nước về diện tích và sản lượng lúa gạo, trong đó diện tích gieo trồng trên 482.186 ha, diện tích đất trồng lúa 200.000 ha, sản lượng 3,2 triệu tấn. Ngoài cây lúa, Đồng Tháp còn có 13.995 ha diện tích trồng xoài, sản lượng khoảng 186.000 tấn/năm; gần 900 ha diện tích trồng sen, sản lượng 1.000 tấn/năm; 4.700 ha diện tích đất trồng nhãn, sản lượng khoảng 56.000 tấn/năm; 38.000 ha diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày và khoảng 2.800 ha diện tích trồng hoa kiểng, với sản lượng 3.000 chủng loại (12 triệu sản phẩm).
Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa, chủ yếu là cá tra, cá basa, tôm … là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.
Đồng Tháp còn là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười và hệ thống giao thông thông suốt nên có khả năng thu hút nguồn nguyên liệu nông sản, hoa quả từ các tỉnh lân cận.
Đồng Tháp có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo với tỷ lệ đạt 71,8%, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm