Ngành du lịch Đồng Tháp đã luôn quan tâm và chú trọng cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
>>Đắk Lắk phát triển sản phẩm du lịch sinh thái
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, Lễ 30/4 và 1/5 trùng với Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), Tỉnh Đồng Tháp cũng đã đồng thời tổ chức Lễ hội Xoài cấp tỉnh. Cùng với sức hấp dẫn từ sự kiện này, từ ngày 29/4/2023 đến hết ngày 03/5/2023, tổng lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích, điểm tham quan, các hộ cộng đồng, vườn trái cây, khu vui chơi giải trí và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 161.987 lượt khách, tăng 80,03% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ hoạt động du lịch là 38,479 tỷ đồng, tăng 65,87% so với cùng kỳ năm 2022.
Dựa vào thế mạnh vốn có, Đồng Tháp đã chú trọng phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: Sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa - lịch sử (đình làng - nhà cổ) kết hợp lễ hội; du lịch sự kiện/hội nghị - thưởng thức ẩm thực Sen kết hợp mua sắm đặc sản, sản phẩm OCOP; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch đường thủy…
Theo đó, các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản (quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành…) đều được quan tâm và nâng cao chất lượng để thu hút đông đảo du khách.
>>Phố bản” giữa lưng chừng trời
Các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung và 1 làng du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) là 6 điểm du lịch cộng đồng mới đã thu hút đông đảo du khách trong thời gian vừa qua. Tất cả đều được khai thác theo hướng phát triển du lịch xanh mà ngành du lịch tỉnh đã đặt ra.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, du lịch Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch từ mô hình “Du lịch nông thôn xanh” gắn với cảnh quan thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, qua đó, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát huy có hiệu quả giá trị, tiềm năng, thế mạnh du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, Du lịch Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai và phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.
Trong hơn 11 năm liền, tỉnh Đồng Tháp nằm trong top 5 tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Quốc gia. Bám sát định hướng cải thiện Chỉ số PCI tạo môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao, Đồng Tháp luôn chú trọng vào những yếu tố cốt lõi về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thông suốt quy trình bàn giao mặt bằng; hệ thống thông tin về chính sách, thủ tục đầu tư, quy hoạch được công khai minh bạch và dễ dàng tiếp cận; mức độ sẵn sàng đối thoại của các cấp lãnh đạo với doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Đồng thời, tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong du lịch; tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch. Theo đó, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo thông suốt, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất (đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới), xây dựng hoàn thiện hạ tầng thông tin dựa trên nền tảng kinh tế số, đa dạng các loại hình dịch vụ, xây dựng các khu nhà ở cho chuyên gia, doanh nghiệp... để thu hút về đầu tư tại địa phương cơ sở hạ tầng dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển về du lịch.
Cùng với đó là khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mekong; phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân; nâng cấp các khu vệ sinh công cộng bảo đảm phục vụ khách du lịch.
Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 50.000 khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu, tỉnh đã đề ra nhiều hoạt động và chính sách mới. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách; hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch…
Có thể bạn quan tâm
Sức hút Du lịch “phố trong làng”
20:06, 08/05/2023
Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Campuchia
01:00, 08/05/2023
Liên kết địa phương tạo nội lực đưa du lịch phát triển bền vững
00:10, 06/05/2023
Quảng Ninh: Doanh nghiệp du lịch vận hành trên nền tảng số
22:50, 05/05/2023
Thúc đẩy ngành du lịch với thẻ Du lịch Quốc gia
20:54, 05/05/2023