Đồng Tháp: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp
Ngành Công Thương tình Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, phát triển ngành công nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh.
Ngành Công Thương cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp
Thời gian qua, Sở Công Thương đã thường xuyên rà soát, kịp thời kiến nghị Trung ương, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các chính sách ưu đãi đặc thù, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, trọng điểm.
Cùng với việc triển khai kịp thời các cơ chế chính sách do Trung ương ban hành, nhằm khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, Sở Công Thương đã thường xuyên kết nối, tiếp và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp Đồng Tháp tiếp xúc, trao đổi thông tin mời gọi đầu tư với 3 doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu tìm hiểu đầu tư các lĩnh vực sản xuất sợi, chế biến xoài, trích ly dầu cám gạo, chế biến lương thực với tổng quy mô dự kiến đầu tư 15ha tại các khu, cụm công nghiệp tỉnh đang mời gọi đầu tư.
Ngành Công Thương cũng đã chủ động và tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường… Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh thương mại phong phú và đa dạng, hàng hóa trên thị trường tiếp tục phát triển tốt. Hạ tầng thương mại ngày càng mở rộng. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được tỉnh đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được phân phối vào hệ thống siêu thị lớn. Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng; có hơn 300 mặt hàng đặc sản địa phương của 60 cơ sở tham gia giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo.
Ngành Công Thương cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà đầu tư tiếp cận vốn triển khai các chương trình, dự án phát triển công nghiệp tại địa phương.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn giảm thuế, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động… từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng gần 5,8% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 10 tháng ước đạt 105.335 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 83,2% kế hoạch năm.
Tăng tỷ trọng các ngành chế biến công nghiệp
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nâng cao năng suất lao động của ngành công nghiệp; ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao, cung ứng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp, góp phần nâng tỷ trọng các ngành chế biến công nghiệp.
Từ đó, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt gần 66.200 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt hơn 72.400 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp (GRDP) năm 2023 ước đạt 11.707 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt khoảng 7%/năm. Toàn tỉnh hiện có 91 doanh nghiệp chế biến thực phẩm với nhiều mặt hàng sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường trong nước và xuất khẩu như: hủ tiếu, phở, nui, bún gạo, bánh tráng, nông sản sấy, nem, bì, chả cá, xúc xích, đồ uống, bánh kẹo…
Để nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, ngành Công thương cũng triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế.
Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo là khâu đột phá. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan phối hợp tổ chức tham gia công tác xúc tiến nhằm quan tâm công tác kết nối kêu gọi đầu tư các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, ngành Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục pháp lý, cải tiến khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, lao động...
Có thể bạn quan tâm