“Kẽ hở” quản trị ở Viwasupco
Vụ nước sạch bị nhiễm bẩn của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho thấy nhiều kẽ hở trong quản trị tại doanh nghiệp này.
Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi và bồi thường miễn phí một tháng tiền nước cho người dân, nhưng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp này khó được khôi phục trở lại.
Thu 2 đồng lãi 1 đồng
Sau sự cố nước bẩn, mới đây Viwasupco công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 138 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp tương ứng 83 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Khấu trừ các loại chi phí, Viwasupco lãi sau thuế hơn 72 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, đây là mức lãi theo quý lớn thứ 2 kể từ khi công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Như vậy sau 9 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 21% lên 402 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 199 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019, ban lãnh đạo Viwasupco đề ra kế hoạch doanh thu 476 tỷ và lợi nhuận sau thuế 75,5 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện 84% chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo phân tích của các chuyên gia kiểm toán, là công ty cung cấp nước sạch độc quyền cho phía Tây TP.Hà Nội từ vùng thương lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình, có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của Viwasupco tăng trưởng đều trong các năm qua. Biên lợi nhuận gộp của công ty đều đạt trên 50% trong 4 năm trở lại đây (tức là thu về 2 đồng lãi 1 đồng), đây là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Mập mờ chi phí đầu tư
Theo các dữ liệu trên sàn chứng khoán, các cổ đông lớn của Viwasupco gồm: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX nắm giữ 60,46% cổ phần, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ hơn 39% cổ phần của Viwasupco.
Có thể bạn quan tâm
Lời xin lỗi muộn màng của Công ty nước sạch sông Đà
15:23, 25/10/2019
Hà Nội sẽ đưa thiết bị cảnh báo tự động vào việc cung cấp nước sạch
17:48, 22/10/2019
Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Ai bồi thường thiệt hại cho người dân?
22:01, 21/10/2019
REE “đặt cược” vào phân khúc nước sạch
08:46, 21/10/2019
Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Đang xác minh thông tin người thuê đổ dầu thải
17:30, 20/10/2019
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch HĐQT Công ty Gelex cho biết, Viwasupco thường lấy mẫu nước làm xét nghiệm mỗi tháng một lần. Sau sự cố cung cấp nước bẩn, Nhà máy nước Sông Đà đã tăng cường kiểm soát chất lượng nước từ đầu nguồn, lắp khoảng 20-30 trạm quan trắc, cảnh báo từ xa 5-6 lớp từ đầu nguồn đến nhà máy và qua các trạm khi về đến nhà dân.
199
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 của Viwasupco, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, dường như các chủ đầu tư của Viwasupco chưa có bất kỳ động thái nào trong việc đầu tư xử lý nước sạch tại Nhà máy nước sạch Sông Đà. Trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, mục lưu chuyển tiền tệ trong hoạt động đầu tư ghi chú tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác, tiền thu hồi vốn đầu tư vào đơn vị khác và dòng tiền từ hoạt động đầu tư rất chung chung là 151 tỷ đồng. Không rõ Viwasupco đã chi trả xử lý nước sạch như thế nào?. Ngay cả hồ Đầm Bài trữ nước cũng mượn của UBND xã Kỳ Sơn tỉnh Hoà Bình.
Lơ là quản trị hoạt động
Được biết, Viwasupco cung cấp nước chủ yếu cho 13 khách hàng, trong đó có tới 90% được ba khách hàng lớn là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Ðông tiêu thụ. Như vậy, trong số 5 “ông lớn” phân phối nước sạch ở Hà Nội thì có 3 công ty liên quan tới Viwasupco.
Ðằng sau Ban lãnh đạo của Viwasupco là một Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên, trong đó ông Nguyễn Văn Tốn là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, có hơn 18 năm kinh nghiệm trong xây dựng chuyên ngành cấp thoát nước và kinh nghiệm trong quản lý các dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước. Một thành viên khác là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, đại diện cho REE- doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp ngành nước khác.
Như vậy, Viwasupco có đủ điều kiện để quản trị, kiểm soát tốt mọi rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhưng thực tế lại cho thấy có nhiều kẽ hở trong hệ thống hoạt động của doanh nghiệp này. Điều này làm dấy lên câu hỏi phải chăng các ông chủ của Viwasupco chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm tới việc kiểm soát chất lượng và ứng phó rủi ro trong sản xuất nước sạch?.
Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ UBND TP. Hà Nội cần xem xét lại việc để Viwasupco độc quyền trong việc cung cấp nước sạch phía Tây thành phố, thay vào đó đa dạng các loại hình đầu tư như TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện. Có như vậy, người dân mới có điều kiện được cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.
Xã hội hóa cung cấp nước sạch Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2020, dân số đô thị cả nước đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị tăng lên 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày. Nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác vào khoảng 3,3 tỷ USD. Trong khi đó, chính quyền các địa phương có chủ trương khuyến khích hoạt động đầu tư vào ngành nước. Chẳng hạn, tại Diễn đàn ngành nước Ðức - Việt được tổ chức vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô Hà Nội là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 2 triệu m3/ngày. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%. Ðể hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho người dân Thủ đô, Thành phố kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa. Thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa; giới thiệu cho nhà đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển Thành phố. |