Xu hướng marketing ngành thời trang năm 2020 (Phần 2)
Burberry thu hút 118 triệu lượt xem trên Twitch, trong khi giá trị ảnh hưởng truyền thông của GucciFest tăng 25% so với show Xuân Hè năm ngoái.
Các marketer ngành thời trang dự đoán tuần lễ thời trang trong thời gian tới sẽ không còn tập trung vào việc kinh doanh trực tiếp, thay vào đó sẽ mở rộng và khai thác các cơ hội marketing tương tác.
Tuần lễ thời trang trở nên “hòa đồng” hơn
Vào tháng 9, Burberry là thương hiệu thời trang cao cấp đầu tiên hợp tác với livestream chuyên cho game thủ Twitch và cho phép khán giả show Xuân Hè 2021 của mình tương tác trực tiếp trong chat room. Cũng trong khoảng thời gian này, Prada đã mở một chương trình ảo khuyến khích người xem tham gia, đặt trước các câu hỏi cho giám đốc sáng tạo Miuccia Prada và Raf Simons. Tháng 11, Gucci tổ chức liên hoan phim thời trang ảo GucciFest, công chiếu bộ sưu tập mới của mình. Thương hiệu này cam kết sẽ đem sự kiện trở lại vào tháng 5 năm sau.
Giám đốc Marketing của Burberry, Rod Manley, chia sẻ: “Trong quá khứ, người ta thường mặc định những thứ xuất hiện trên các phương tiện kỹ thuật số không phải là hàng cao cấp. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Các thương hiệu cần kết nối và đem đến giá trị cho khách hàng thông qua những phương thức mới.”
Ông cũng cho biết Burberry đã tổ chức phát trực tuyến các show thời trang từ rất nhiều năm, tuy nhiên những nền tảng mới như Twitch đã đem đến trải nghiệm mới lạ để khách mời không những tương tác với Burberry mà còn tương tác lẫn nhau.
Kết quả thu được hoàn toàn khả quan. Trong suốt thời gian sự kiện, Burberry thu hút 118 triệu lượt xem trên Twitch, trong khi giá trị ảnh hưởng truyền thông của GucciFest tăng 25% so với show Xuân Hè năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc cũng nhộn nhịp không kém. Theo thống kê, chương trình ảo của Prada tại Thượng Hải thu hút 48 triệu người xem trên Weibo và Douyin (phiên bản nội địa của TikTok). Hashtag #PradaSS21 cũng thu hút 170 triệu lượt xem. Trong những ngày tổ chức show, Burberry được vinh danh trên Super Brand Day của Tmall, thu hút khoảng 10 triệu lượt xem và đạt kỷ lục đặt hàng trong ngày.
Kết hợp thời trang cao cấp và game
Không chỉ là nền tảng chia sẻ video ngắn như TikTok, giờ đây các thương hiệu thời trang cao cấp còn nhận thấy tiềm năng kết nối khách hàng trẻ qua game.
Vào tháng 10, Balenciaga đã giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2021 trong video game Afterworld: The Age of Tomorrow. Người dùng sẽ khám phá từng vùng các nhau của game theo tốc độ tùy chọn, đồng thời khám phá luôn các mẫu thiết kế mới của giám đốc sáng tạo Demna Gvasalia.
Thương hiệu Versace thiết kế một phiên bản avatar ảo của Giám đốc Điều hành Donatella Versace tại Complexland, trong khi thương hiệu thời trang Hoa Kỳ Collina Strada ra mắt game nhập vai Collina Land. Thương hiệu áo khoác thân thiện với môi trường Pangaia cũng tạo ra trải nghiệm game trên một tảng băng để quảng bá cho sản phẩm Flwrdw.
Trở lại trước đó, vào tháng 12/2019, Louis Vuitton đã hợp tác với Riot Games ra mắt bộ sưu tập Louis Vuitton x League of Legends - đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa một đơn vị phát hành game và thương hiệu thời trang cao cấp.
Theo Naz Aletaha (Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác Esport Toàn cầu tại Riot Games), khối lượng khán giả, lượt tương tác, khả năng sáng tạo và chất lượng sản xuất của các game ngày nay không thua kém bất kỳ môn thể thao hoặc hình thức giải trí nào. Giờ đây khách hàng ở đâu, thì các thương hiệu vào đánh vào đấy. Chính vì vậy, hợp tác với các đơn vị sản xuất game cũng cùng nguyên lý như quảng cáo trên phim, TV hoặc âm nhạc.
Năm 2021 có lẽ sẽ chứng kiến nhiều sự hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong các trải nghiệm chia sẻ như show giao dịch trực tuyến, các phần thưởng game độc quyền và những buổi mua thử ảo. Giờ đây, các thương hiệu hiểu rằng không những cần xuất hiện và tương tác với nhóm khách hàng rộng lớn trong thị trường game, mà còn cần thiết kế các chiến dịch phù hợp với khách hàng, để khách hàng nắm và tiếp nhận các thông điệp của họ.
Có thể bạn quan tâm