Con đường “đi chợ” chông gai của Grab
Sau khi đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi hộ hồi tháng 3, Grab triển khai đi chợ truyền thống hộ cho người dùng ngay thời điểm cận Tết.
“Đi chợ hộ” muộn
Grab nhập cuộc “mua hộ người dùng” qua GrabMart vào cuối tháng 3/2020, khi thị trường đã được khai thác bởi các nền tảng và ứng dụng công nghệ khác.
Cái tên đầu tiên phải kể đến là Chopp.vn. Ra mắt từ 2015, Chopp.vn cung cấp dịch vụ mua và giao hàng bách hoá tận nơi trong vòng một tiếng đồng hồ.
Xuất hiện vào 2018, Foody cũng trở thành “lão làng” trong nghề “đi chợ hộ” nhờ liên kết với số lượng lớn các nhà bán lẻ, cửa hàng thực phẩm, chuỗi siêu thị tiện lợi.
Tháng 2 năm nay, ứng dụng giao hàng AhaMove cũng nhanh chân ra mắt dịch vụ mua hộ. Tuy nhiên, sản phẩm mua hộ chỉ gói gọn là các loại khẩu trang, nước rửa tay, bình xịt khử khuẩn…, những sản phẩm hạn chế việc lây nhiễm COVID-19.
Đầu tháng 3/2020, ứng dụng gọi xe Be cũng tung ra thị trường tính năng “Be đi chợ” với hóa đơn không quá 500.000 đồng. Tài xế đóng vai trò là người mua hộ hàng sau khi khách hàng nhập thông tin địa chỉ cửa hàng và sản phẩm muốn mua.
Sang chợ truyền thống sớm
Trong khi đang cùng các ứng dụng giành giật “từng centimet” tại một số địa chỉ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm có thương hiệu, thì Grab “mở màn” lấn sân sang chợ truyền thống. Đây là điều chưa doanh nghiệp hoặc nền tảng nào tại Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.
Ra mắt dịch vụ vào dịp cuối năm có thể xem cú đánh “đúng thời điểm” của Grab, khi nhu cầu đi chợ truyền thống tăng cao nhưng người tiêu dùng hạn chế đến chợ truyền thống do lo ngại về những bất ổn của dịch Covid-19. Khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel cho thấy đại dịch đã tác động mạnh đến xu hướng tiêu dùng: hơn 50% giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa, hơn 60% giảm tần suất đến các chợ truyền thống, chợ thực phẩm tươi.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cũng không giấu được tham vọng chiếm lĩnh phân khúc này: “Từ nay đến hết Tết Tân Sửu sẽ tăng nhận diện thương hiệu cho chợ truyền thống trên GrabMart với tổng ngân sách dự kiến lên đến hơn 5 tỷ đồng.”
Con đường không dễ dàng
Hồi tháng 10, Vingroup ra mắt VinShop hỗ trợ các tiệm tạp hóa kết nối với nhà sản xuất, tiếp cận nguồn hàng phong phú và giá cả minh bạch. Chỉ sau một tháng ra mắt, VinShop thu hút hơn 26.000 tiệm tạp hóa gia nhập hệ sinh thái.
Con đường của Grab xem chừng không dễ dàng như vậy, khi đặc thù mặt hàng giao dịch là “thực phẩm tươi sống” như rau, củ, quả, thịt, cá, sữa, hoa tươi,… Kẻ đứng giữa như Grab phải giải quyết bài toán khó hơn bao giờ hết : một mặt, đối với người tiêu dùng, phải đảm bảo chất lượng của thực phẩm, tránh phát sinh nhu cầu đổi trả hàng gây tốn kém.
Mặt khác, với tiểu thương, phải cho họ thấy lợi ích khi bán hàng qua App. Từ bỏ thói quen kinh doanh truyền thống, chuyển lên “4.0” không phải là điều dễ dàng với những “bà, cô bán hàng chợ” này.
Việc không được tự tay chọn lựa đồ ăn tươi chính là một điểm yếu chết người của hình thức mua qua app. Bởi vậy, trên thế giới bắt đầu xuất hiện dịch vụ đi ngược lại hẳn với xu thế “lên app” như Grab.
Tại Mỹ, startup như Robomart cho người tiêu dùng “gọi” hẳn một xe đồ tươi đến nhà để người mua đích thân lựa chọn. Ở Trung Quốc, đại gia Moby Mart cũng triển khai những quầy bán hàng lưu động, mang đồ đến nhà cho người mua tự chọn.
Tất cả đều chọn hướng “mang chợ đến cho người mua”, thay vì “đi chợ hộ” như Grab.
Tính đến 29/12, Grab mới thuyết phục được 5 tiểu thương ở 4 khu chợ ở TP. HCM, 2 chợ ở Đà Nẵng, 7 chợ ở Hà Nội đồng ý lên GrabMart. Grab hiện đang nỗ lực thuyết phục thành công mỗi chợ ít nhất 20 tiểu thương lên GrabMart nhằm đủ số lượng phục vụ người dùng dịp Tết Nguyên Đán.
Thành thử, con đường sắp tới của Grab có vẻ sẽ khá chông gai.
Có thể bạn quan tâm