Một năm ‘vàng’ của doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á (Bài 1)
Năm 2020 với “sự kiện” nổi bật và xuyên suốt đại dịch COVID-19 đã định hình lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á như thế nào?
Màn hình, màn hình, và màn hình
COVID-19 đã làm thay đổi cách mọi người làm việc, ăn uống, mua sắm và vui chơi giải trí. Cùng với những đợt cách ly, phong tỏa từ chính phủ nhằm ngăn chặn tình hình lây lan, cụm từ “work from home” (làm việc tại nhà) và ứng dụng Zoom đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các nhân viên trong cùng một văn phòng giờ đây chỉ thấy và làm việc với đồng nghiệp thông qua màn hình.
Nghỉ ở nhà hoặc làm việc ở nhà khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ streaming (phát trực tuyến) và chơi game tăng vọt.
Theo số liệu thống kê từ Newzoo, doanh thu lĩnh vực games di động đã đạt 77.2 tỷ USD, trong đó thị trường mới nổi Đông Nam Á cũng đóng góp một phần không nhỏ.
Báo cáo công nghệ của công ty The Trade Desk cho thấy hiện nay tại Đông Nam Á, khoảng 180 triệu người dùng tiếp cận và sử dụng 8 tỷ giờ các nội dung OTT (dịch vụ gia tăng trên nền mạng Internet như phát thanh, truyền hình, nhắn tin,..). Thậm chí sau thời kỳ đỉnh dịch, các nền tảng streaming lớn vẫn xem Đông Nam Á là thị trường chính cho những chiến lược kinh doanh sau này. Chẳng hạn Netflix đang lên kế hoạch đầu tư gấp đôi vào các nội dung gốc tại châu Á vào năm 2021.
Báo cáo e-Conomy SEA 2020 cho biết COVID-19 cũng là thời kỳ vàng cho các startup công nghệ y tế và giáo dục. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 3, mức độ sử dụng các nền tảng y tế từ xa đã tăng gấp 4 lần, thậm chí còn níu chân các khách hàng sau thời kỳ hết cách ly.
Trong khi đó, số lượt cài đặt các ứng dụng giáo dục hàng đầu ở Đông Nam Á tăng gấp 3 lần, lên đến 20 triệu lượt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 (cùng kỳ năm ngoái số lượt cài đặt chỉ là 6 triệu)
Những khoản đầu tư lớn cho các startup kỳ lân
Theo thống kê, nửa đầu năm 2020, ngành công nghệ Đông Nam Á nhận được 5.6 tỷ USD vốn đầu tư, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thương vụ lớn trên 100 triệu USD chủ yếu dành cho các startup kỳ lân trong khu vực.
Sau khi kiếm được 1.2 tỷ USD trong vòng Series F tháng 3, Gojek (Indonesia) tiếp tục nhận các khoản đầu tư từ Facebook và PayPal hồi tháng 6. Gần đây, siêu ứng dụng này còn kêu gọi thành công khoản tiền 150 triệu USD từ Telkom Indonesia.
Trong khi đó, Grab - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Gojek - nhận về 856 triệu USD từ nhà đầu tư Nhật Bản vào tháng 2 và 200 triệu USD từ đơn vị Đầu tư Hàn Quốc vào tháng 8. Và đây có thể chỉ là màn dạo đầu cho thương vụ ‘bom tấn’ hợp nhất Grab và Gojek.
Bên cạnh đó, gần như tất cả startup kỳ lân của Indonesia đều được rót vốn đầu tư trong năm 2020. Traveloka nhận được 250 triệu USD vào tháng 7 dù tình hình kinh doanh sụt giảm vì dịch. Hai đơn vị thương mại điện tử Bukalapak và Tokopedia cũng nhận được các khoản đầu tư mới từ các công ty Hoa Kỳ. Cụ thể, Microsoft đầu tư 100 triệu USD vào Bukalapak, trong khi Google và Temasek (Singapore) đầu tư vào Tokopedia.
Sóng gió bủa vây các ông lớn trong ngành công nghệ
Rất nhiều doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia, chẳng hạn Facebook và Twitter, đang phải chịu sự giám sát của chính quyền cấp quốc gia, vì một số nước đang nỗ lực kiểm soát luồng thông tin trực tuyến.
Vào tháng 11, chính phủ Việt Nam đã cảnh báo sẽ chặn Facebook nếu mạng xã hội này không kiểm duyệt các tin tức chống phá nhà nước. Gần đây, chính phủ Thái Lan cũng đệ đơn kiện Facebook, Twitter và Youtube vì không làm theo yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ.
Sự lan tràn của tin tức giả tại những quốc gia như Myanmar khiến Facebook đã chủ động ứng phó hơn, bằng chứng là sự ra đời của Ủy ban Giám sát Facebook vào tháng 10. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn còn nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề (các nội dung kích động) của công cụ mới này.
Các nước Đông Nam Á cũng thắt chặt kiểm soát các đơn vị công nghệ lớn khác với những động thái như đánh thuế, đưa ra luật về bảo vệ dữ liệu, đấu tranh với tin giả. Chẳng hạn, Singapores đã đề xuất những thay đổi lớn đối với luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho phép phạt 10% tổng doanh thu hàng năm đối với các trường hợp vi phạm. Còn Indonesia tiến hành áp thuế giá trị gia tăng 10% đối với sản phẩm của các công ty công nghệ như Google, Netflix và Amazon.
Có thể bạn quan tâm