Thế giới công nghệ trước cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ

Theo Trí thức trẻ 02/07/2018 11:20

Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang dần nóng lên trước những đòn “ăn miếng trả miếng” của cả hai bên.

Hãy cùng điểm qua những tác động của trận “so găng” giữa hai cường quốc kinh tế này đến thế giới công nghệ.

Những tác động đến lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc

Một trong những đốm lửa nhỏ ở rìa cuộc chiến thương mại Trung Mỹ là câu chuyện ZTE – công ty viễn thông lớn của Trung Quốc – gặp rắc rối với chính quyền Mỹ.

Thế giới công nghệ trước cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ - Ảnh 1.

ZTE nhận lệnh cấm tại Mỹ khiến mối quan hệ thuong mại Mỹ - Trung căng thẳng - Ảnh: industryweek

Trong khi hoạt động kinh doanh của ZTE lệ thuộc nhiều vào các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm thì việc ban hành lệnh cấm vận công nghệ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ZTE – công ty tỷ đô sử dụng hàng chục nghìn nhân công Trung Quốc.Sau khi ZTE thừa nhận đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên, thì chính phủ Mỹ đã ban lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn này.

Ngay sau đó việc đối thoại tích cực giữa hai chính phủ Trung – Mỹ kèm theo những động thái đảm bảo sự hợp tác của Trung Quốc xung quanh vấn đề Triều Tiên đã góp phần xoa dịu vấn đề. Tổng thống Trump đã hứa sẽ “mở đường sống” cho ZTE và thay thế bằng một biện pháp trừng phạt khác.

Dù vụ việc đang dần bớt căng thẳng hơn, thế nhưng qua đó cho thấy việc lệ thuộc công nghệ lẫn nhau giữa các công ty có thể khiến công ty của nước này trở thành “con tin” dễ bắt chẹt của nước khác khi cuộc chiến thương mại nổ ra.

Có những điểm cốt lõi thể hiện rằng Trung Quốc sẽ thiệt thòi hơn trong cuộc chiến thương mại này nếu nó thực sự diễn ra.

Các công ty công nghệ Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã và đang chịu áp lực từ chính quyền Donald Trump để chuyển việc sản xuất kinh doanh trở về Mỹ nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người dân Mỹ. Đây cũng chính là một trong những điều mà ông Trump đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Rõ ràng là ông Trump không hề quên và đang nỗ lực hiện thực nó theo kiểu mang đến một chính sách bảo hộ mới với ưu tiên quyền lợi nước Mỹ đặt lên hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Mô hình nền tảng phát triển mạnh mẽ nhờ đâu?

    Mô hình nền tảng phát triển mạnh mẽ nhờ đâu?

    08:00, 02/07/2018

  • Cơ quan giám sát EU cáo buộc Facebook, Google vi phạm quyền riêng tư

    Cơ quan giám sát EU cáo buộc Facebook, Google vi phạm quyền riêng tư

    04:37, 02/07/2018

  • Xu hướng giao dịch tài chính với tiền thuật toán

    Xu hướng giao dịch tài chính với tiền thuật toán

    08:00, 01/07/2018

  • "Chảy máu” chất xám trong ngành công nghệ

    04:50, 01/07/2018

Một trong những ví dụ được các nhà phân tích chỉ ra là Apple. Nguồn cung linh kiện của điện thoại iPhone đến từ nhiều công ty Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix. Các thành phần được lắp ráp thành iPhone bởi công ty Đài Loan Foxconn. Hầu hết quá trình lắp ráp iPhone diễn ra tại Trung Quốc.

Và theo báo cáo của tờ China Daily vào cuối năm ngoái, dữ liệu cho thấy rằng gần một nửa iPhone được sản xuất tại nhà máy Foxconn đặt tại Trung Quốc với 94 dây chuyền sản xuất cùng 350.000 công nhân. Thế nên, nếu Apple và Foxconn dời dây chuyền sản xuất của họ đến Mỹ, thì kết quả là sẽ có nhiều công nhân Trung Quốc bị thất nghiệp.

Vào tháng Giêng năm nay, Apple thông báo về việc đầu tư để hỗ trợ kinh tế Mỹ - dự báo rằng công ty sẽ đống góp 350 tỷ USD vào kinh tế trong nước và tạo ra hơn 20.000 việc làm mới trong 5 năm tới, đồng thời cũng hỗ trợ cải tiến công nghệ cho các nhà sản xuất nội địa.

Giới phân tích cũng cho rằng, chính quyền của Trump sẽ tiếp tục đề ra các ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác để thúc đẩy nhiều công ty công nghệ Mỹ đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trở về trong nước.

Về lý thuyết, động thái này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong khi thuế nhập khẩu có thể tiếp tục gây áp lực lớn lên Trung Quốc. Điều này có thể tác động đáng kể đến Trung Quốc, dù không quá khổng lồ nhưng cũng đủ để Trump có thể lớn tiếng hơn trên bàn đàm phán.

Nỗi lo bị phản đòn

Tiếp tục với câu chuyện của Apple. Tháng trước, CEO Tim Cook của tập đoàn này đã có chuyến thăm phòng Bầu dục để thông báo đến tổng thống Trump về việc đối thoại cứng rắn với Trung Quốc có thể đe dọa vị thế của Apple tại quốc gia châu Á này.

Thế giới công nghệ trước cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ - Ảnh 2.

Steve Jobs đã làm được nhiều thứ cho Apple tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: New York Times

Dưới thời Tim Cook, việc kinh doanh của Apple tại Trung Quốc đã trở thành một đế chế thực thụ với doanh thu hằng năm lên đến 50 tỷ USD – gần bằng 1/4 doanh thu toàn cầu của hãng. Tim Cook đạt được điều này trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt việc quản lý Internet và xua đuổi các công ty công nghệ khác của Mỹ.Trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, Apple sẽ có nhiều thứ để mất. Hơn 41 cửa hàng cùng hàng triệu iPhone đã được bán ra tại Trung Quốc, một sự thành công không tưởng đối với những công ty Mỹ khác.

Giờ đây, khi chính quyền Trump đang bàn thảo về việc tiếp tục áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sau khi đã áp thuế 20% đối với 50 tỷ USD hàng hóa của đất nước tỷ dân thì Trung Quốc đang đe dọa trả đũa. Khi đó Apple bị kẹt ở giữa.

Apple lo sợ chính phủ Trung Quốc có thể gây áp lực để làm chậm trễ các chuỗi cung ứng của mình cũng như tăng cường giám sát các sản phẩm của hãng được lắp ráp tại đây với lý do an ninh quốc gia. Như trường hợp Reuters từng ghi nhận về việc những chiếc xe Ford phải đối mặt với sự chậm trễ tại các cảng Trung Quốc.

Hãng Quả táo cũng có thêm lo ngại về việc có thể phải đối mặt với những vấn đề pháp lý tương tự như cách chính quyền Washington khiến cho Huawei gặp khó trong việc bán điện thoại và thiết bị viễn thông tại Mỹ.

Và Apple cũng chỉ là một trong những đại diện tiêu biểu cho nhiều công ty công nghệ Mỹ đứng trước nỗi lo dính đòn "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Mỹ hạn chế tiếp nhận vốn đầu tư công nghệ từ Trung Quốc

Không chỉ làm tổn thương Trung Quốc, cuộc chiến thương mại do tổng thống Trump đề ra có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ tại Mỹ. Chính quyền của ông Trump không chỉ đề ra việc di chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh về Mỹ mà còn nỗ lực ngăn chặn các công ty Trung Quốc thâm nhập vào giới công nghệ Mỹ.

Để lập luận cho việc hạn chế đầu tư của Trung Quốc, chính quyền Mỹ cho rằng việc đầu tư sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ. Và công nghệ mới thu thập được sẽ mang đến lợi ích về kinh tế lẫn quân sự cho Trung Quốc.

Trước đây, dấu chân của các nhà đầu tư công nghệ đến từ Trung Quốc tại Mỹ rất nhỏ: 9,9 tỷ USD năm 2015, 15 tỷ USD năm 2016 và 13 tỷ USD năm 2017. Con số đầu tư năm 2017 có thể còn giảm sâu hơn nếu không có vụ đầu tư 8 tỷ USD vào Uber của Tencent thông qua liên doanh với SoftBank (Nhật).

Nguyên nhân của sự sụt giảm đến từ việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt các gói tín dụng tạo thuận lợi cho các thương vụ đầu tư công nghệ, và các công ty Trung Quốc đã cảnh giác rằng việc đầu tư vào công nghệ có thể thu hút sự chú ý của chính phủ Mỹ.

Việc hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc không hề mới. Chính phủ Mỹ đã cố gắng kiểm duyệt các công nghệ được xem là quan trọng và nhạy cảm trong nhiều năm qua.

Dưới thời tổng thống Obama, các nhà sản xuất chip như Intel và Nvidia không được phép bán các loại chip với các ứng dụng quân sự, siêu máy tính hay bảo mật. Và các công ty công nghệ Mỹ cũng không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Con số này chỉ đạt dưới 30 tỷ USD trong tổng số hơn 700 tỷ USD giao dịch thương mại với Trung Quốc năm 2017 bao gồm hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, hầu hết các công ty công nghệ Mỹ bán hàng ở Trung Quốc thì không được xem như hàng Mỹ xuất khẩu vì các sản phẩm này không được làm ra ở Mỹ.

Ví dụ như iPhone được xem như sản phẩm Mỹ được bán ở Trung Quốc nhưng không phải hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc vì những chiếc điện thoại này hầu hết được lắp ráp tại Trung Quốc. Do đó, chính sách hạn chế công ty công nghệ Mỹ buôn bán với Trung Quốc thực tế không mấy hiệu quả. Bởi vì chuỗi cung ứng toàn cầu của những công ty này đã trở nên quá phổ biến.

Mặt khác thì việc hạn chế xuất khẩu này sẽ càng khiên các công ty Mỹ thu hẹp việc sản xuất trong nước để tiến hành việc sản xuất ở nước ngoài nhiều hơn nhằm tránh khỏi những rủi ro của chính sách hạn chế xuất khẩu.

Ở góc nhìn khác, số tiền đầu tư đến từ Trung Quốc là rất nhỏ và số lượng công ty bị ảnh hưởng do chính sách thắt chặt đầu tư từ Trung Quốc là rất ít.

Thế nhưng, điều này sẽ gây ấn tượng không tốt cho giới đầu tư - rằng Mỹ đang ngày càng không mở cửa cho doanh nghiệp - và rồi các công ty khởi nghiệp tại Mỹ sẽ khó tìm được nguồn vốn để phát triển.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực nhiều để nghiên cứu các công nghệ của tương lai như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, robot... những động thái trái chiều này có thể thay đổi cán cân về công nghệ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế giới công nghệ trước cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO