Vì sao Amazon đầu tư mạnh vào điện mặt trời?

QUÂN BẢO 26/03/2021 04:00

Amazon vừa công bố một dự án điện mặt trời khổng lồ ở Singapore, nối tiếp với hàng loạt dự án điện mặt trời lớn của họ trên toàn thế giới trong chưa đầy 3 năm.

Dự án vừa công bố ở Singapore là một trang trại pin năng lượng mặt trời công suất tối đa 62 MW. Trang trại sử dụng công nghệ pin chuyển động lắp trên mặt đất. Những tấm pin này sẽ tự động xoay theo hướng mặt trời để có thể tối đa hiệu suất sản sinh điện. 

Dự kiến, trang trại này sẽ được đưa vào sử dụng năm 2022, và sẽ trở thành một trong những hệ thống năng lượng mặt trời pin chuyển động lớn nhất Singapore. Theo dự tính, mỗi năm hệ thống có thể tạo ra 80.000 MWh năng lượng sạch đóng góp vào lưới điện quốc gia, đủ cung cấp cho hơn 10.000 hộ gia đình tại hòn đảo này.

Theo đó, dự án năng lượng mặt trời tiện ích sẽ thích hợp với những chiến lược chính về sử dụng năng lượng sạch, đồng thời giúp Amazon hoàn thành cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động đến năm 2030. Đây là mục tiêu mà công ty này đã xây dựng lộ trình để đạt được sớm hơn 5 năm, tức vào năm 2025. Nếu thành công, dự án sẽ cung cấp năng lượng tái tạo cho các văn phòng và những cơ sở của Amazon lẫn trung tâm dữ liệu của AWS - những nơi hỗ trợ hàng triệu khách hàng toàn cầu.

Năm ngoái, Amazon cũng công bố kế hoạch triển khai 4 trang trại điện năng lượng mặt trời ở Úc, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Mỹ. Bốn trang trại này có thể sản sinh 840.000MWh, tương đương mức tiêu thụ của 76.000 hộ gia đình của nước Mỹ.

Dự án tại Singapore là khoản đầu tư mới nhất của AWS về năng lượng tái tạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ năm 2019, đơn vị này đã công bố 3 dự án năng lượng gió và mặt trời ở Australia mà một dự án năng lượng mặt trời tại Trung Quốc. Nếu tính tổng cộng thì các dự án này có thể đóng góp xấp xỉ 411 MW công suất lắp đặt và cung cấp hơn 900.000 MWh năng lượng tái tạo vào lưới điện địa phương.

Vậy tại sao Amazon lại đầu tư rất mạnh vào năng lượng mặt trời trong thời gian gần đây?

Amazon đang là thủ phạm xả thải các-bon nhiều nhất giới công nghệ. Theo số liệu từ EnergyMinute, năm 2019, Amazon xả thải tới hơn 51 triệu tấn CO2e (đơn vị đo khí thải nhà kính biến đổi khí hậu), gấp hơn 3 lần công ty đứng thứ 2 là Google (xả có 15 triệu tấn CO2e).

Bởi vậy, khi Amazon mở rộng tới các quốc gia khác, nhất là các quốc gia đang theo đuổi đường lối năng lượng xanh như Singapore, Úc hay Thụy Điển, Amazon bắt buộc phải đầu tư đẩy mạnh năng lượng xanh, mà các dự án trang trại điện năng lượng mặt trời nói trên chính là một minh chứng.

Thêm vào đó, “góp công” lớn trong đống khí thải khổng lồ kia của Amazon chính là trung tâm dữ liệu của Amazon Web Service. Dù là một ông lớn thương mại điện tử, nhưng mảng chủ lực mang lại nguồn thu cho Amazon lại chính là dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ thông tin Amazon Web Service (AWS). AWS là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.

Các trung tâm dữ liệu đang ngốn một lượng năng lượng khổng lồ. Theo ước tính của EnergyMinute, các trung tâm năng lượng đang chiếm tới 2% tổng lượng điện sử dụng của Mỹ. Trên toàn cầu, các trung tâm này tiêu tốn khoảng 200 terawatt giờ (TWh).

Thành thử, việc đầu tư mạnh vào điện năng lượng mặt trời cũng là một cách giảm chi phí cho hệ thống khổng lồ của AWS. Một công đôi việc cho Amazon!

Có thể bạn quan tâm

  • Cách để Jeff Bezos đã điều hành Amazon để biến nó thành công ty nghìn tỷ USD

    Cách để Jeff Bezos đã điều hành Amazon để biến nó thành công ty nghìn tỷ USD

    20:04, 22/03/2021

  • Chuyển đổi kinh doanh mùa dịch: Gọi tên Amazon

    Chuyển đổi kinh doanh mùa dịch: Gọi tên Amazon

    06:00, 12/03/2021

  • 5 chữ quan trọng nhất trong sự nghiệp tân CEO Amazon

    5 chữ quan trọng nhất trong sự nghiệp tân CEO Amazon

    03:00, 08/02/2021

QUÂN BẢO