Không chỉ có ý nghĩa với Andy Jassy - tân CEO của Amazon, mà “bài học” này còn giúp xây dựng một nửa đế chế Amazon lớn mạnh ngày nay.
Vào tuần trước, Jeff Bezos thông báo rút lui khỏi vị trí CEO Amazon và người kế nhiệm là Andy Jassy. Ngay lập tức, người ta ráo riết săn lùng thông tin về cái tên này, thắc mắc liệu Jassy thuộc kiểu lãnh đạo nào, có lý lịch hoành tráng ra sao, gắn bó với Amazon thế nào.
Một trong những thông tin nhận được sự quan tâm nhiều nhất chính là triết lý lãnh đạo mà Andy Jassy đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn 3 năm về trước. Theo Jassy, đây chính là bài học quan trọng nhất cuộc đời ông.
Bài học gói gọn trong 5 chữ: Đừng chống lại xu thế (nguyên văn “You can’t fight gravity”).
Theo lý giải của Jassy, điều này nghĩa là khi một việc đang sắp diễn ra, thì dù con người có muốn hay không, nó vẫn sẽ diễn ra. Vì vậy, nếu không muốn tự hủy hoại mình, tốt hơn hết là phải đón đầu những điều sắp xảy ra, thay vì ngồi đó hy vọng chúng không xảy ra.
Jassy là một người rất giỏi công nghệ, có thể giảng giải nhiều thứ về trí tuệ nhân tạo và Internet of Things. Ông gắn bó với Amazon gần 20 năm, hiểu rõ văn hóa công ty lẫn những nguyên tắc kinh doanh quan trọng nhất của đế chế này.
“You can’t fight gravity” là bài học của Jassy gắn liền với câu chuyện khởi động Amazon Marketplace năm 2000. Vào thời điểm đó, tình trạng “dot-com bust” đã khiến hàng nghìn startup công nghệ lao đao, và Amazon cũng không là ngoại lệ. Chỉ trong vòng hơn 2 năm, cổ phiếu của Amazon sụt giảm từ 91 USD chỉ còn 15 USD.
Lúc ấy, Amazon chỉ bán những sản phẩm họ sản xuất, trong khi các sàn thương mại trực tuyến khác như eBay lại đồng ý kết hợp với những bên bán nhỏ lẻ hoặc cá nhân. Điều này giúp eBay có số lượng sản phẩm đa dạng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên khi đề cập đến thay đổi, nhiều giám đốc điều hành của Amazon lại phản đối ý tưởng này.
Jassy chia sẻ: “Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận nảy lửa về việc liệu có nên cho phép bên thứ ba bán hàng trên Amazon hay không. Trước hết bởi vì chúng tôi nghĩ rằng những người bán khác sẽ không quan tâm đến trải nghiệm người dùng nhiều như chúng tôi.”
Không chỉ vậy, tất cả công nghệ và toàn bộ công ty đều xây dựng theo hướng mô hình kinh doanh chính chủ. Bên cạnh đó, một số người cũng lo lắng các nhà cung ứng của Amazon sẽ không hài lòng nếu bên thứ ba bán sản phẩm trên cùng website với họ.
Tuy nhiên, “đừng chống lại xu thế”, Amazon đồng ý cho bên thứ ba bán hàng trên nền tảng của mình. Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, họ hiểu rằng điều này có lợi cho khách hàng, vì khách hàng có thể tiếp cận nguồn hàng đa dạng hơn, với giá cả cạnh tranh hơn.
Đây là một bước chuyển dời mang tính lịch sử của Amazon (và của cá nhân Andy Jassy). Ngày nay, hơn một nửa đơn vị kinh doanh trên Amazon là bên thứ ba. Và dĩ nhiên, điều này đem lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn Amazon.
“Đừng chống lại xu thế”, theo một cách lý giải khác của Clay Christensen, giáo sư tại Harvard, tức là “song đề đổi mới”. Theo đó, những công ty thành công cần liên tục thay đổi hoạt động kinh doanh của chính họ, ngay cả khi họ phải trả giá bằng mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Nếu không, các startup khác sẽ dùng điều này để cướp khách hàng của họ. Và rõ ràng, Amazon trong thời kỳ khởi đầu Amazon Marketplace đã nếm trải sự thật này.
Bản chất con người là luôn muốn sống trong vùng an toàn, vùng thoải mái. Tuy nhiên hãy nhớ rằng điều khiến Amazon vững mạnh chính là vì Amazon không ngại thử thách những điều mới mẻ và thay đổi nguyên tắc kinh doanh của chính mình.
Có thể bạn quan tâm