Giao thương

Đa dạng hóa xúc tiến thương mại số: "Chìa khóa" để doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu

C.Huệ 24/07/2025 16:55

Việc thúc đẩy thương mại số không chỉ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số mà còn góp phần nâng tầm vị thế hàng Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, việc chủ động đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đang trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng thị trường và phát triển bền vững.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định: “Thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là xu hướng mà đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, doanh nghiệp Việt phải chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào các nền tảng sẵn có.”

Thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang lúng túng khi bước vào sân chơi toàn cầu. Nhiều đơn vị dừng lại ở việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử quốc tế mà chưa có chiến lược bài bản trong xây dựng dữ liệu khách hàng, vận hành chuỗi logistics, marketing xuyên biên giới và chăm sóc khách hàng sau bán.

Từ kinh nghiệm triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là việc mở gian hàng trực tuyến, mà là một hành trình dài hơi đòi hỏi doanh nghiệp phải làm chủ chuỗi giá trị số từ dữ liệu, logistics đến hậu mãi và marketing.

Ông Hoàng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay ở bước đầu – đưa sản phẩm lên sàn – mà chưa có chiến lược bài bản về vận hành xuyên biên giới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt gặp khó trong quản trị đơn hàng đa thị trường, thiếu dữ liệu hành vi người tiêu dùng và công cụ phân tích để tối ưu cạnh tranh.

Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng năng lực nội tại để có thể tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động. Việc tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp thật sự làm chủ cuộc chơi.

Ở góc độ quốc tế, ông Larry Hu – Tổng Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á – đánh giá cao giai đoạn phát triển hiện nay của thương mại số Việt Nam. Theo ông, xuất khẩu qua thương mại điện tử đang trở thành một trong những động lực chiến lược giúp doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế.

Hiện, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026–2030, với định hướng đưa sản phẩm "Made in Vietnam" vươn ra thị trường toàn cầu thông qua các kênh số. Trọng tâm của kế hoạch là nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các nhà sản xuất trong nước, giúp họ làm chủ công cụ thương mại điện tử để xúc tiến xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.

Việc thúc đẩy thương mại số không chỉ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số mà còn góp phần nâng tầm vị thế hàng Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu. Trong giai đoạn mới, sự kết hợp giữa chủ trương quốc gia, nền tảng công nghệ và nỗ lực nội tại của doanh nghiệp sẽ là nền móng vững chắc để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đa dạng hóa xúc tiến thương mại số: "Chìa khóa" để doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO