Ở thời điểm tái cấu trúc các kênh phân phối, thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ hiện đại đang trở thành lựa chọn ưu tiên của doanh nghiệp.
Xu hướng dịch chuyển kênh phân phối đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp địa phương vốn sở hữu nhiều thương hiệu sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP…
Thời điểm hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, không chỉ ở cùng ngành hàng mà áp lực còn đến từ các mặt hàng nhập khẩu được hưởng lợi thế thuế quan từ các FTA. Các kênh phân phối vì thế đang dịch chuyển rất nhanh khi phần nhiều các doanh nghiệp đều đã sở hữu từ 2- 3 kênh bán hàng trở lên, bao gồm các kênh phân phối trên các nền tảng xã hội.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp địa phương với khả năng linh hoạt, thích ứng nhanh đã kịp “lên sàn” để trước mắt thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá trong nước, sau đó là mở rộng kết nối, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường quốc tế.
Đây là quá trình dài và nhiều thách thức với các doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp địa phương bởi còn không ít khó khăn, vướng mắc từ nội tại năng lực nền tảng của doanh nghiệp đến khả năng tiếp cận thông tin thị trường, ngành hàng, khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, chuyển đổi số…
Trước thực tế đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã hỗ trợ đào tạo chuyên sâu, tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, các start-up trong việc ứng dụng công nghệ số và các công cụ thương mại điện tử tiên tiến. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (eComDX) cho biết, các chương trình đào tạo tập trung trang bị kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh trực tuyến, phổ biến các kỹ năng, kiến thức nền tảng pháp lý của thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng trưởng trên nền tảng số.
Đặc biệt, Trung tâm eComDX chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp phát triển thương hiệu cá nhân và ứng dụng AI để tối ưu hóa quy trình, cải thiện trải nghiệm khách hàng trong môi trường thương mại điện tử. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực mà còn thúc đẩy khả năng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại các địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, các khóa học trực tuyến được cung cấp giúp các doanh nghiệp ở khu vực khó khăn có thể tham gia. Bốn trụ cột chính được tập trung trong các khóa đào tạo chuyên sâu bao gồm GoOnline hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiện diện số và phát triển kỹ năng bán hàng trực tuyến; GoExport giúp kết nối và vận hành hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, GoAI trang bị cho doanh nghiệp năng lực ứng dụng AI trong marketing, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, GoAI cũng hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Cuối cùng, GoRight với mục tiêu cập nhật hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn hóa hoạt động, giúp xây dựng thương hiệu bền vững.
Với chương trình đào tạo chuyên sâu và khá toàn diện góp phần từng bước nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và thích ứng linh hoạt với những mô hình kinh doanh mới trên thị trường quốc tế.