Công nghệ

Mở rộng thị trường qua sàn thương mại điện tử

Bùi Hiền 30/04/2025 00:30

Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sâu vào nền tảng thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cơ hội vàng để hàng Việt lên tiếng

Thương mại điện tử dần trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng số diễn ra mạnh mẽ, thu hút đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia nhờ những ưu thế vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, thông qua các sản thương mại điện tử mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ quảng bá rộng rãi các sản phẩm hàng hóa đặc sản địa phương.

Nắm bắt được những xu hướng phát triển đó, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã lập các trang website, Facebook, TikTok… để thường xuyên livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm, góp phần nâng cao sản lượng bán hàng một cách ổn định.

ocop-quang-ninh1.jpg
100% sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được đưa lên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kết nối sản phẩm nông sản, đặc sản đến đông đảo người tiêu dùng

Bà Nguyễn Thư Thảo - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Hải sản Mạnh Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để có thể mở rộng thị trường và tăng sản lượng tiêu thụ trong nền kinh tế số, tôi thường xuyên tham gia các buổi tập huấn để có nhiều kiến thức về thương mại điện tử. Cùng với đó, tôi thường xuyên mở các phiên livestream, mỗi phiên có thể bán từ 400-500 đơn hàng, trong đó có rất nhiều đơn hàng ngoài tỉnh. Ngoài ra, để tăng tương tác, tôi cũng thường xuyên giảm giá từ 10-20% cho khách hàng khi có đơn tại phiên livestream”.

Với ưu điểm không bị giới hạn về không gian, thời gian, giảm kinh phí trong giao dịch, dễ dàng tiếp cận được mọi phân khúc khách hàng, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông sản, đặc sản trên địa bàn Quảng Ninh như ruốc hàu, mắm tép, chả mực… đã đẩy mạnh quảng bá, phân phối trên nhiều sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội với giá niêm yết, nguồn gốc rõ ràng tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo bà Đặng Thị Thu Hồng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn huyện có 53 sản phẩm OCOP, trong đó 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Các đơn vị, ngành chức năng địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người bán hàng xây dựng nội dung hấp dẫn, kết nối với khách hàng hiệu quả, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Các công ty, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện cũng bán hàng livestream trên các fanpage của huyện.

Sân chơi của doanh nghiệp

Người tiêu dùng ngày càng sử dụng AI nhiều hơn, quan tâm đến trải nghiệm và bị thu hút bởi sự giải trí, khuyến mãi trên nền tảng thương mại điện tử. Theo khảo sát, 85% người tiêu dùng bị thu hút bởi sự đa dạng của sản phẩm, 71% bởi các chương trình khuyến mãi mang tính giải trí.

Sự thay đổi nhanh chóng của hành vi tiêu dùng đã đòi hỏi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm nông sản địa phương cũng bắt buộc phải chuyển mình, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kết nối sản phẩm nông sản, đặc sản của Quảng Ninh đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tiến chân vào các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, thông qua các buổi tập huấn, các cơ quan chức năng hướng dẫn đại diện các doanh nghiệp xây dựng website, fanpage, email marketing và tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, phần lớn các chủ thể OCOP trong tỉnh sở hữu những kênh bán hàng online riêng, mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.

ho-tro-doanh-nghiep-tiep-can-san-tmdt.jpg
Quảng Ninh chủ động hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiến chân vào các sàn thương mại điện tử

Đi cùng với việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, các đối tác vận chuyển đã được kết nối chặt chẽ với sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp của tỉnh để đảm bảo nhận và giao hàng nhanh chóng. Đồng thời, tính năng thanh toán điện tử qua các ứng dụng tiện ích giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong quá trình thanh toán.

Ông Hoàng Đức Khá - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh cho biết: “Mục tiêu và nền tảng cốt lõi để sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh phát triển bền vững chính là chất lượng sản phẩm và sự phong phú trong danh mục hàng hóa. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện quản lý hiệu quả sàn theo hướng nâng cấp hạ tầng để tạo ra một môi trường giao dịch an toàn, hiệu quả. Mặt khác, lồng ghép với các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, triển lãm. Đáng chú ý, tăng cường kết nối với các sàn thương mại điện tử của các tỉnh thành khác trong cả nước và quốc tế...”.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nông sản trong tỉnh phát triển nền tảng quản lý bán hàng, marketing, logistics và tích hợp giải pháp thanh toán điện tử xuyên biên giới. Mặt khác, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng dữ liệu lớn để dự báo nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Sự chủ động nhập cuộc của tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hiệu quả nuôi trồng, sản xuất, đặc biệt, quảng bá rộng rãi sản phẩm nông sản, đặc sản chất lượng của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần tích cực trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng thị trường qua sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO