Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng kèm theo đó là sự đào thải của một số lớn các nhà bán nhỏ lẻ, trong khi đơn hàng tập trung vào các nhà bán lớn.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển đáng kể, trở thành một kênh mua sắm quan trọng. Theo báo cáo tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I/2025 và dự báo quý II/2025 của Metric.vn, bức tranh TMĐT Việt Nam đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng về cả doanh số lẫn sản lượng. Cụ thể, tổng doanh số toàn thị trường đã đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng tới 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng ghi nhận mức tăng 24%, đạt 950,7 triệu sản phẩm.
Tuy nhiên, ẩn sau những con số tăng trưởng đầy hứa hẹn này lại là một diễn biến đáng chú ý: số lượng nhà bán có phát sinh đơn hàng lại giảm đáng kể. Trong quý I/2025, chỉ còn 472,5 nghìn shop hoạt động hiệu quả, giảm 7,45%, tương đương với việc hơn 38.000 shop đã rời khỏi “cuộc chơi” so với cùng kỳ năm trước (số liệu thống kê trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop).
Sự đối lập này cho thấy một xu hướng ngày càng rõ rệt trên thị trường TMĐT Việt Nam: sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà bán nhỏ lẻ và các đơn vị kinh doanh quy mô lớn. Báo cáo của Metric.vn chỉ ra rằng, trong khi hàng chục nghìn nhà bán nhỏ phải rời bỏ thị trường, thì nhóm nhà bán có doanh số cao lại ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội. Đáng chú ý, số lượng shop đạt doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên đã tăng gần gấp đôi (+95%) so với quý I/2024. Điều này khẳng định rằng, trong khi các nhà bán nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn và dần rút lui, thì các "ông lớn" với năng lực vận hành bài bản và nguồn lực mạnh mẽ đang ngày càng củng cố vị thế dẫn đầu.
Bên cạnh sự phân hóa về quy mô, thị trường TMĐT Việt Nam quý I/2025 còn chứng kiến những thay đổi đáng kể về thị phần giữa các nền tảng. TikTok Shop nổi lên như một "ngôi sao sáng" với mức tăng trưởng doanh số ấn tượng lên tới 113,8%, giúp nâng thị phần từ 23% lên 35%. Ngược lại, hai "cựu binh" Lazada và Tiki lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh số, lần lượt là 43,5% và 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự dịch chuyển này cho thấy xu hướng tiêu dùng mới, nơi trải nghiệm mua sắm trực quan và giải trí kết hợp mua hàng đang dần chiếm ưu thế.
Một yếu tố khác cho thấy sự thay đổi trong bức tranh TMĐT là sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với các sản phẩm có mức giá tầm trung. Phân khúc sản phẩm có giá từ 100.000-200.000 đồng ghi nhận tăng trưởng rõ rệt, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về doanh số lẫn sản lượng. Thị phần doanh số của nhóm này đã tăng từ 22,7% lên 25,9%. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, có mức giá phù hợp với thu nhập. Ngược lại, nhóm sản phẩm có giá từ 1 triệu đồng trở lên lại giảm thị phần doanh số từ 19,4% xuống 17,2%.
Những con số này cho thấy sự tương đồng với những thông tin Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập trong bài “Cuộc chơi của những người chuyên nghiệp” ngày 26/03/2025. Theo đó, bài báo này nhận định, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ càng ngày càng chuyên nghiệp hóa và các nhà bán “tay ngang” sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi.
Các đợt tăng phí của các sàn sẽ như một "cuộc sàng lọc". Những người coi việc bán hàng trên sàn TMĐT chỉ là công việc thứ hai, với lợi nhuận thấp, sẽ không còn động lực để tiếp tục.
Những đơn vị có khả năng trụ lại và phát triển sẽ là những doanh nghiệp coi kinh doanh trên sàn TMĐT là sự nghiệp chính. Họ sẽ tự biết cách điều chỉnh chiến lược, cắt giảm các chương trình khuyến mãi như voucher, giảm giá để tối ưu hóa vận hành và duy trì lợi nhuận. Kết quả dẫn tới là kinh doanh trên sàn TMĐT sẽ dần trở thành cuộc chơi của những "kẻ" chuyên nghiệp.
Mặc dù quý II/2025 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cho thị trường TMĐT Việt Nam với doanh số ước đạt 116,6 nghìn tỷ đồng (tăng 15%) và sản lượng khoảng 1.112 triệu sản phẩm (tăng 17%) so với quý trước, nhưng rõ ràng, "sân chơi" này đang ngày càng trở nên khắt khe hơn.