Chiến lược thuê bao của New York Times

QUÂN BẢO 01/06/2021 02:00

Một số tờ báo của Việt Nam cũng đang triển khai mô hình thuê bao tương tự.

New York Times đang hỏi mua Athletic - một “tờ báo chưa lợi nhuận” - để củng cố chiến lược thuê bao nội dung của mình.

New York Times là một tờ báo 170 năm tuổi, từng là “một tờ báo” mạnh. Hai mươi năm trước, nếu cần tin tức, người ta sẽ mua New York Times. Nhưng bây giờ, khó có thể gọi đây là “một tờ báo” vì đa phần hoạt động của họ đều nằm ngoài TIN TỨC.

Internet ra đời, và Google cùng Facebook dần ăn sạch doanh thu từ quảng cáo của tất cả các tờ báo. Trong khi ngành báo chí vẫn đang loay hoay tìm cách cạnh tranh với mạng xã hội (cho đến giờ vẫn vô vọng), thì NYT đã nhanh chóng xoay trục. Họ không còn là một tờ báo, mà biến mình trở thành một công ty truyền thông đa phương tiện, và kiếm tiền bằng bán “thuê bao nội dung” (subscription).

NYT ‘buông’ tin tức, chỉ giữ lại những nội dung cốt lõi, đặc trưng của mình và biến những nội dung đó thành nhiều hình thức khác nhau, như làm thành phim, tài liệu, chương trình truyền hình hay phát thanh số (podcast). The Daily là một ví dụ. Đây là một ứng dụng sáng tạo của New York Times khi truyền tải nội dung các bài báo dưới dạng âm thanh. NYT thậm chí còn mua hẳn 1 ứng dụng chuyên để chuyển các bài báo thành bài phát thanh.

Sau đó NYT bán các “thuê bao”, kiếm tiền từ tiền thuê bao của người dùng. Hiện nay NYT có 7 triệu thuê bao các sản phẩm số, và đặt mục tiêu đạt 10 triệu thuê bao vào năm 2025. Đáng chú ý là một nửa số thuê bao đó trả tiền để mua những nội dung “không liên quan tới tin tức”, như là các chương trình dạy nấu ăn, chơi game, nghe phát thanh giải trí. Từ 2 năm trở lại đây, doanh thu từ thuê bao nội dung số đã vượt phiên bản in.

Chiến lược này đã giúp NYT có vốn hóa thị trường 7 tỷ đô la, hoạt động có lợi nhuận và giá cổ phiếu đã tăng gần gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua.

Athletic là một tờ báo “chưa có lợi nhuận”. Nhưng họ có mô hình kinh doanh bán thuê bao nội dung chuyên về thể thao - tương tự như mô hình thuê bao của NYT. Và mô hình đó chính là lí do New York Times muốn thâu tóm Athletic.

Tờ Athletic được định giá gần 500 triệu đô la và có 1,2 triệu người dùng trả phí. Công ty đã đạt doanh thu khoảng 80 triệu đô la vào năm ngoái nhưng theo một báo cáo từ Wall Street Journal - Họ vẫn chưa có lợi nhuận. Có thể do hứng chịu ảnh hưởng từ đại dịch khi hầu hết các trận đấu thể thao bị trì hoãn, hoạt động của tờ báo vì thế mà đi xuống.

Athletic và hơn 1 triệu người dùng trả phí của tờ này được trông chờ sẽ là một tập khách hàng mới tiềm năng của NYT.

Thương vụ thâu tóm Athletic cho thấy sự quyết tâm đẩy mạnh mô hình thuê bao nội dung của NYT. Khi thị trường báo chí, tin tức đang bị bão hòa, mở rộng thể loại nội dung để hút thêm khán giả “ngoại đạo” là một phương án đáng để khai thác.

Một số tờ báo của Việt Nam cũng đang triển khai mô hình thuê bao tương tự. Gần đây nhất có thể kể đến tờ Ngày nay. Họ miễn phí một số bài, và một số bài phải trả tiền mới được đọc. Mặc dù mô hình này đã được triển khai trên thế giới từ vài năm nay, nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Chúng ta hãy chờ xem liệu “thuê bao nội dung” có thành công ở thị trường Việt Nam hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • “Thuê bao” đồ dùng công nghệ

    “Thuê bao” đồ dùng công nghệ

    03:08, 15/04/2021

  • “Thuê bao” cả… quần áo

    “Thuê bao” cả… quần áo

    04:00, 03/03/2021

QUÂN BẢO