Vấn nạn “đánh giá ảo” trên sàn thương mại điện tử

QUÂN BẢO 19/07/2021 03:08

Đánh giá được “thổi phồng” là vấn đề của Amazon trong nhiều năm qua và BigTech này vẫn loay hoay tìm cách “chiến đấu” với nó.

Các đánh giá được “thổi phồng” của Amazon là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm qua. Nhưng dường như hãng này không mấy để tâm và trách nhiệm xử lý đã được đẩy về phía khách hàng. Điều này càng rõ khi trên thị trường có xuất hiện các dịch vụ lọc đánh giá ảo, ví dụ như ReviewMeta hay Fakespot. Những dịch vụ này chuyên thu thập thông tin từ Amazon và phân tích dữ liệu để chỉ ra những bất thường trong các đánh giá sản phẩm.

Anh Tommy Noonan cho ra đời ReviewMeta sau khi nhận ra Amazon là “sàn diễn” lớn của các “review giả mạo”. Anh đã được phen “choáng váng” khi đọc loạt bài đánh giá về một loại thuốc tăng cường testosterone trên Amazon: “Nhiều người đã nói thẳng rằng họ chưa sử dụng sản phẩm bao giờ. Họ vẫn đánh giá năm sao cho nó để nhận một sản phẩm đốt mỡ miễn phí”.

Chỉ cần lướt qua, Noonan cũng nhận thấy phần lớn đánh giá đều viết trong cùng một thời điểm. 30 người đầu tiên đánh giá chỉ nhận xét cho các sản phẩm từ cùng một thương hiệu.

Vì vậy, ReviewMeta ra đời với nguyên lý nhận diện đánh giá “giả mạo” khá đơn giản – thông qua một loạt câu hỏi như: Có nhiều đánh giá được viết vào cùng một ngày không? Số lượt đánh giá mỗi ngày có tăng đột biến bất thường không? Các đánh giá có lặp các cụm từ tiếp thị giống nhau không?

Khách hàng chỉ cần nhập địa chỉ URL của sản phẩm trên Amazon, ReviewMeta sẽ đưa ra một bảng “xếp hạng được điều chỉnh” sau khi đã lọc ra các đánh giá có dấu hiệu “giả mạo”.

Noonan cho biết các bài đánh giá “giả mạo” ngày càng gia tăng, nhất là ở các sản phẩm thực phẩm chức năng, vòng đeo tay đuổi muỗi, đồ điện tử tiêu dùng. Đây là các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao, dễ sản xuất, giá rẻ, nhiều cạnh tranh và có số lượt tìm kiếm nhiều trên Amazon”.

Các nhà nghiên cứu tại UCLA đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 10 tháng. Theo đó, có khoảng 4,5 triệu người bán đã sử dụng các nhóm Facebook để lấy nguồn đánh giá giả mạo. Điều này tạo ra hiệu quả ban đầu, giúp tăng trung bình 12,5% thứ hạng bán hàng của các sản phẩm. Nhưng chỉ trong vài tuần, các bài đánh giá thực sự với con số 1 sao “đổ bộ” đã kéo thứ hạng của sản phẩm trở về thực tế.

Amazon cho biết, họ đang nỗ lực chiến đấu với những “review giả mạo” với tính năng mới là “đánh giá bằng một cú chạm”. Tuy không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này nhưng theo một phát ngôn viên trao đổi với WSJ, công ty vẫn tiến hành phân tích 10 triệu đánh giá hàng tuần.

Gần đây, BigTech chịu nhiều chỉ trích từ dư luận trong việc chống vấn nạn “review giả mạo". Amazon hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra chính thức ở Anh.

Nhưng bất chấp tất cả những điều này, Amazon có vẻ không muốn các dịch vụ bên thứ 3 ‘xen vào’ công việc của mình. Họ vừa yêu cầu Apple gỡ Fakespot, một dịch vụ lọc đánh giá ảo rất nổi tiếng, ra khỏi App Store với lí do “dịch vụ kiểu này có nguy cơ lan truyền thông tin giả và có thể có vấn đề về bảo mật”.

Động thái mới nhất, Apple đã đồng ý. Có vẻ như người mua hàng sẽ còn gặp các đánh giá ảo dài dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Amazon vẫn tiếp tục thống trị thị trường bán lẻ?

    Amazon vẫn tiếp tục thống trị thị trường bán lẻ?

    03:08, 13/07/2021

  • Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

    Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

    05:00, 08/07/2021

  • Amazon và Alibaba “cuộc chiến tranh lạnh” ở Việt Nam

    Amazon và Alibaba “cuộc chiến tranh lạnh” ở Việt Nam

    03:23, 28/06/2021

QUÂN BẢO