Những nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền qua NFT như thế nào?
Trong nền kinh tế sáng tạo, giá trị lớn nhất nên thuộc về người sáng tạo, chứ không phải các nền tảng trung gian. NFT và tiền điện tử đã và đang biến điều này thành hiện thực.
Nếu bạn là một người làm sáng tạo, những con số sau có thể khiến bạn chú ý:
- Một bông hoa kỹ thuật số được bán với giá 20.000 USD
- Một video hiệu ứng lặp lại được bán với giá 26.128 USD
- Một chiếc tất được bán với giá 60.000 USD
- Một chiếc kẹp của Lebron James được bán với giá 99.999 USD
Tất cả các mặt hàng này đã được bán dưới dạng NFT (non-tongible token), một loại tài sản số không thể thay thế. Vậy NFT là gì và nó đang làm “khuynh đảo” thị trường nội dung như thế nào?
NFT vai trò gì với nội dung?
NFT là một bản ghi blockchain gắn với một nội dung kĩ thuật số, cho thấy chủ sở hữu của nội dung đó. Lấy ví dụ, khi một nhạc sĩ tên Taylor sáng tác ra ca khúc và bán nó cho người mua tên Jenny dưới dạng NFT, bản ghi này sẽ cho biết: Jenny là chủ sở hữu quyền đối với bài hát này (đính kèm đường dẫn). Cô ấy đã mua nó từ Taylor (người sáng tạo ban đầu) vào ngày 31/12/2020 với giá 30.000 USD.
Vì NFT được ghi lại bằng công nghệ blockchain nên nó minh bạch và không thể sửa đổi, phù hợp cho việc chứng thực quyền sở hữu.
Tôi đã sở hữu nội dung của mình. Tại sao tôi cần tạo NFT?
Câu hỏi ở đây là bạn có thực sự sở hữu nội dung của bạn hay không.
Giả sử bạn là Taylor, một nhạc sĩ tài năng. Bạn tải một bài hát mới lên Spotify và bài hát đó nhận được 1 triệu lượt nghe. Tuy nhiên:
- Người trung gian sẽ lấy hầu hết thu nhập của bạn: Spotify chỉ trả khoảng 4.000 USD cho 1 triệu lượt phát. Sau khi các bên trung gian khác (ví dụ như hãng thu âm, ban quản lý) đã lấy phần của họ, bạn chỉ còn lại 800 USD.
- Người trung gian sở hữu quyền nội dung của bạn: Giống như nhiều nghệ sĩ mới, bạn phải chuyển quyền sở hữu bài hát của mình cho hãng thu âm. Nếu không có quyền đối với bài hát của bạn, bạn thậm chí không thể biểu diễn trực tiếp bài hát đó trên sân khấu mà không có sự chấp thuận của hãng.
- Người trung gian kiểm soát số lượng người xem nội dung của bạn: Spotify có thể thay đổi thuật toán hoặc thậm chí gỡ nội dung của bạn xuống bất kỳ lúc nào.
Người trung gian giúp bạn tạo nội dung, tiếp cận người hâm mộ và kiếm tiền. Nhưng họ cũng sở hữu hầu hết giá trị từ nội dung của bạn. Ngay cả Taylor Swift cũng phải thu âm lại các bài hát của mình để giành lại quyền này.
Tôi không muốn chia sẻ doanh thu với các trung gian. NFT sẽ giúp tôi như thế nào?
Giả sử bạn lại là Taylor, nhưng lần này, bạn tạo NFT cho bài hát của mình có nội dung: Taylor đã tạo ra bài hát này vào ngày 1/12/2020 (đính kèm đường dẫn). Cô ấy đang bán quyền sở hữu nó cho người hâm mộ với giá 30.000 USD. Mỗi lần người hâm mộ bán lại bài hát của Taylor, cô ấy sẽ nhận được 10% hoa hồng.
Một người hâm mộ mua NFT của bạn với giá 30.000 USD. Sau khi trả 15% cho sàn giao dịch, bạn kiếm được 85% hay 25.500 USD. Sau một tháng, người đó bán lại nó cho một người hâm mộ khác với giá 40.000 USD - bạn sẽ kiếm thêm 10% hay 4.000 USD tiền bản quyền. Thay vì chỉ kiếm được 800 USD, giờ đây bạn đã kiếm được 29.500 USD chỉ từ hai giao dịch.
Tại sao người hâm mộ lại chi tiền để sở hữu nội dung của tôi? Bất kỳ ai cũng có thể sao chép nó trực tuyến miễn phí.
Theo khảo sát, hầu hết mọi người mua NFT để kiếm tiền. Một “người hâm mộ cuồng nhiệt” là người sẵn sàng chi tiền để có tương tác thật với người sáng tạo. NFT giúp những người này có thể kiếm tiền bằng cách sở hữu nội dung cho thấy tiềm năng của người sáng tạo.
Giả sử bạn đã trả 30.000 USD để mua một NFT từ một nghệ sĩ vô danh. Nếu nghệ sĩ đó trở nên nổi tiếng một năm sau đó, bạn có thể bán cùng một NFT với giá cao hơn nhiều. Giống như cổ phiếu, NFT cho phép người hâm mộ đặt cược vào tiềm năng của người sáng tạo.
Vậy chỉ những người hâm mộ của người làm sáng tạo mới mua NFT của họ?
Một số người mua có thể chỉ vì muốn kiếm lợi nhuận thay vì quan tâm đến người sáng tạo. Ví dụ: một ai đó có thể mua NFT của Lindsay Lohan với giá 17,000 USD và ngay lập tức đưa nó trở lại thị trường với giá 78,000 USD.
Khối lượng giao dịch NFT đang bước vào giai đoạn “điên cuồng” và nhiều người muốn thúc đẩy thị trường để đạt được lợi nhuận cao hơn. Nhưng đầu cơ không phải lúc nào cũng là điều xấu. Về lâu dài, đầu cơ sẽ giúp NFT được chú ý nhiều hơn.
Nghe hay đấy, nhưng rủi ro là gì?
Nếu bạn muốn tạo, mua hoặc bán NFT, hãy lưu ý những rủi ro sau:
- Đừng “ảo vọng”: Nếu bạn chưa có một lượng lớn người theo dõi, rất có thể bạn sẽ không thể bán NFT của mình với giá hàng chục nghìn USD. Giá bán trung bình của một NFT vào tháng 1 năm 2021 là 864 USD.
- Cẩn thận bẫy đầu cơ: Vào tháng 12 năm 2020, giá bán trung bình của một NFT là 126 USD, điều này cho thấy thị trường này đang phát triển nhanh như thế nào. Doanh thu của NFT cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi giá của đồng tiền ảo. Hãy cẩn thận khi mua các NFT đắt tiền nhưng không có tiềm năng “giữ giá” trong tương lai.
NFT là một cách mới thú vị để người sáng tạo kiếm tiền. Nó cho phép người hâm mộ sở hữu nội dung của người sáng tạo và đầu tư trực tiếp vào thành công của người sáng tạo. Điểm mấu chốt ở đây là, trong nền kinh tế của người sáng tạo, hầu hết giá trị nên thuộc về người sáng tạo và người hâm mộ, chứ không phải các nền tảng trung gian. NFT và tiền điện tử đã và đang biến điều này thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm