DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Một năm hứa hẹn cho các doanh nghiệp CNTT Việt

QUÂN BẢO 22/08/2021 04:08

FPT vừa báo lãi trước thuế 7 tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ăn nên làm ra cũng là xu hướng chung của các công ty công nghệ trên thế giới trong những năm Covid này.

Tính từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021, doanh thu của FPT đạt 19.002 tỷ đồng, với mức lợi nhuận trước thuế là 3.428 tỷ đồng. So sánh với số liệu cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 19,1% và 19,8 %. Chỉ tính riêng tháng 7/2021, doanh thu đã đạt 2.774 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu phân tích, mảng dịch vụ thông tin chiếm tỷ trọng cao nhất, đem về 57% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế. Theo sau là mảng viễn thông (38% doanh thu - 40% lợi nhuận trước thuế). Cuối cùng là giáo dục, đầu tư và các mảng khác.

Bên cạnh đó, doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài của FPT cũng ghi nhận chỉ số khả quan, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng 47%, thị trường EU cải thiện doanh thu trong tháng 7, tăng lên mức 35%.

Không chỉ FPT, ăn nên làm ra còn là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm cả thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài.

Tại Việt Nam, theo dự báo của đơn vị thống kê Statista (Đức), doanh thu các dịch vụ CNTT sẽ đạt đến 1,18 tỷ USD trong năm 2021 và tiến đến mốc 1,48 tỷ USD năm 2025.

Ngoài FPT, những doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam như tập đoàn CMC, Digitalworld (DGW), v.v. cũng ghi nhận những chỉ số phát triển khả quan trong thời kỳ dịch bệnh.

Chẳng hạn, theo báo cáo trong đại hội cổ đông thường niên ngày 21/7/2021, CMC ghi nhận tổng doanh thu năm tài chính 2020 đạt 5.666 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Hoặc như DGW. Trong 6 tháng đầu năm 2021, DGW đạt doanh thu 9.225 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế đạt 2.552 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020.

Trên thế giới, ngành công nghệ thông tin cũng phát triển theo chiều hướng đi lên. Theo số liệu thống kê ước tính từ IDC, ngành CNTT toàn cầu sẽ đạt giá trị 5 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng 4,2% so với năm ngoái. Thậm chí xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2024.

Top 5 ông lớn làng công nghệ thế giới: Apple, Alphabet, Microsoft, Facebook và Amazon đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực trong quý 2 năm 2021, với mức tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 93%, 166%, 47%, 101% và 49%. Với Apple, Microsoft và Alphabet (Google), đây đều là những mức lợi nhuận kỷ lục.

Với nhiều người, sự phất lên trong thời kỳ dịch bệnh của các công ty CNTT không phải là điều quá bất ngờ. Vì Covid-19 có thể là thách thức với những ngành như du lịch, hàng không, v.v. nhưng lại là cơ hội vàng cho các ngành CNTT. Giáo sư Thomas Philippon của Đại học New York nhận định rằng các doanh nghiệp CNTT là những kẻ thắng lợi nhất trong mảng kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Dịch bệnh xảy ra, tình trạng giãn cách kéo dài, con người phải làm việc, học tập từ xa. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng phải sử dụng nhiều các dịch vụ CNTT hơn để giao tiếp, liên lạc, làm việc.

Chẳng hạn, ở mức độ cá nhân, khi làm việc ở nhà, người lao động phải mua sắm, sử dụng các dịch vụ công nghệ như wifi, laptop, các phần mềm họp video như Zoom, Google Meet. Giãn cách cũng khiến mạng xã hội trở thành một trong những kênh chủ lực để người thân, bạn bè có thể tiện liên lạc, trao đổi tình hình.

Ở mức độ doanh nghiệp. Trong thời kỳ Covid-19, doanh nghiệp buộc phải sử dụng công nghệ, không chỉ để quản lý, tổ chức công việc cho nhân viên, mà còn để giữ mối liên hệ với khách hàng. Ví dụ chuyển qua bán hàng online trên các nền tảng, hoặc xây dựng ứng dụng bán hàng online của riêng doanh nghiệp. 

Có thể nói, dịch bệnh đem đến cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và áp dụng công nghệ trong tất cả mọi mặt của cuộc sống. Đó cũng chính là cơ hội vàng cho những doanh nghiệp CNTT. Ít nhất đến cuối năm 2021, xu hướng phát triển của CNTT vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Vì một khi đã quen sử dụng công nghệ, thì cả khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp đối tác sẽ nhanh chóng nghiệm ra và yêu thích sự tiện lợi của công nghệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý rủi ro thuế qua ứng dụng CNTT

    Quản lý rủi ro thuế qua ứng dụng CNTT

    17:12, 27/05/2021

  • 180 giải pháp, dịch vụ CNTT xuất sắc nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021

    180 giải pháp, dịch vụ CNTT xuất sắc nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021

    15:17, 24/04/2021

  • Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam: “Mổ xẻ” 6 ngành lĩnh vực

    Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam: “Mổ xẻ” 6 ngành lĩnh vực

    13:34, 14/12/2020

QUÂN BẢO