Airbnb chuyển mình vượt đại dịch
Họ nhận ra xu hướng du lịch “cũ” đã biến mất và nhanh chóng xây dựng trải nghiệm mới cho khách hàng thời kỳ hậu Covid.
Giám đốc điều hành của Airbnb, Brian Chesky, dự đoán một cuộc cách mạng về du lịch sắp sửa nổ ra. Tại một hội nghị tuần này, Chesky cho biết ông hy vọng ngành công nghiệp này sẽ phục hồi trở lại lớn hơn bao giờ hết. Chesky tin rằng một “cuộc cách mạng du lịch” sẽ mở ra một kỷ nguyên vàng mới của du lịch, nơi mọi người sẽ đi lại tự do hơn so với thời kì trước đại dịch, cụ thể:
- Lưu trú dài ngày: 50% thời gian lưu trú trên Airbnb kéo dài một tuần trở lên và 20% vượt quá một tháng.
- Không có kế hoạch cụ thể: 40% khách du lịch ban đầu không nghĩ đến điểm đến hoặc ngày đi khi họ truy cập trang web của Airbnb.
- Ưa thích vùng nông thôn: Tỷ lệ cho thuê tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ đã giảm 11% trong năm nay so với mức trước đại dịch, nhưng tăng 27% ở các khu vực nông thôn.
Sau đại dịch, Airbnb sẽ là đại diện tiêu biểu cho các công ty nỗ lực vực dậy. Công ty đã mất 80% mảng kinh doanh khi đại dịch xảy ra, nhưng đã nhanh chóng chuyển mình cho xu hướng du lịch đang thay đổi. Kể từ đó, doanh số bán hàng đã tăng trở lại vượt mức trước đại dịch. Giải pháp của Airbnb rất đáng chú ý, như:
- Mang đến các tuỳ chọn linh hoạt cho phép khách du lịch đi mọi lúc, mọi nơi - tiện dụng hơn vì 70% công ty ở Mỹ sẽ tiếp tục triển khai mô hình làm việc tại nhà.
- Những nơi lưu trú độc đáo như nhà thuyền, du thuyền, hang động và thậm chí cả container vận chuyển phục vụ cho những người làm việc từ xa thích phiêu lưu
- Các lựa chọn khác biệt ở vùng nông thôn cho phép khách du lịch sống xa rời xã hội như một phần của chiến dịch “Những hoạt động ngoài trời tuyệt vời nhất” của Airbnb.
- Trải nghiệm trực tuyến, chẳng hạn như Mezcal & Tequila Cocktail Masterclass, mang đến cho khách du lịch những lựa chọn an toàn.
Cách mạng hóa để phát triển mạnh mẽ hay “thích ứng để tồn tại” - đó là những gì Airbnb đang làm. Họ nhận ra xu hướng du lịch “cũ” đã biến mất và nhanh chóng xây dựng trải nghiệm mới cho khách hàng thời kỳ hậu Covid. Tuy nhiên, không phải mảng du lịch nào cũng có thể có được sự linh hoạt như vậy, đơn cử như các hãng hàng không. Những chuyến bay công tác, vốn mang lại 75% lợi nhuận cho các hãng, vẫn chưa có dấu hiệu “nhúc nhích” trở lại.
Nhìn sang Việt Nam, đợt dịch thứ 4 làm gần như toàn bộ ngành lưu trú bị tê liệt. Một số khách sạn chuyển sang làm dịch vụ cách ly. Nhưng con số chuyển được chỉ khoảng 10%. Ngành khách sạn Việt Nam có lẽ phải tìm đường chuyển mình mạnh hơn để tồn tại qua dịch lần này.
Có thể bạn quan tâm