DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử
Các trang du lịch tụt lượt truy cập, sàn TMĐT tăng mạnh, bán các gói du lịch trên sàn TMĐT hứa hẹn là một giải pháp khả quan cho tình hình hiện nay.
Ngày 3/11 vừa qua, Sở Du lịch TP. HCM đã tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu về Chương trình kích cầu du lịch trên sàn TMĐT Shopee. Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin, cách thức để hỗ trợ doanh nghiệp chào bán các sản phẩm du lịch đến Shopee - một sàn TMĐT đa dạng đối tượng khách hàng.
Với hoạt động này, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ sẽ có thêm thị trường và công cụ để khai thác và duy trì hoạt động kinh doanh. Từ đó ngành du lịch thành phố cũng sẽ từ từ phục hồi và khởi sắc. Đồng thời, đây cũng một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của ngành du lịch thành phố đến năm 2025.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một giải pháp khá mới lạ. Bởi trước đây, ngoài kinh doanh trực tiếp và qua các hệ thống đại lý, thì các đơn vị du lịch lữ hành cũng có kinh doanh online. Tuy nhiên đa số chỉ là qua website, Facebook cùng các trang dịch vụ như ivivu, Traveloka, Tripadvisor, Agoda, v.v.. Việc bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng thông qua những sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee, Tiki, v.v. xưa nay khá hiếm.
Dù lạ, thế nhưng đây không phải là động thái quá khó hiểu. Trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam, du lịch bị gián đoạn và đi xuống rất nhiều. Mà khi du lịch đã không có, thì các trang thương mại bán dịch vụ cũng ngậm ngùi chịu cảnh khó khăn.
Chẳng hạn, Tripadvisor, một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn lớn nhất thế giới, đã ghi nhận doanh thu năm 2020 giảm đến hơn một nửa so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu năm 2019 của Tripadvisor là 1,56 tỷ USD, còn năm 2020 chỉ là 604 triệu USD.
Tương tự vậy, ivivu cũng ghi nhận lượt truy cập tháng 9/2021 giảm chỉ còn ¼ so với thời điểm tháng 4/2021, cụ thể giảm đến hơn 320.000 lượt truy cập.
Những thống kê từ Tripadvisor và ivivu cho thấy các trang thương mại du lịch online hiện nay đã không còn hiệu quả như xưa. Lượt truy cập, tương tác kém cũng dẫn đến việc ít khách hàng tiếp cận các dịch vụ hơn. Điều này khiến những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải chọn ra hướng đi mới.
Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử đã chứng tỏ sức mạnh của mình, trở thành nơi mua sắm quen thuộc của phần lớn khách hàng online. Từ các thói quen mua sắm những mặt hàng hiện tại, khách hàng có thể dần làm quen với việc tìm kiếm sản phẩm du lịch trên những sàn này.
Vậy nên có thể nói chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch trên các sàn TMĐT là một biện pháp khả quan. Không chỉ là lượt truy cập khổng lồ, mà các sàn này còn có nguồn khách hàng đa dạng để các đơn vị kinh doanh du lịch có thể tận dụng và tiếp cận. Tuy nhiên, việc thiết kế các gói dịch vụ du lịch thế nào để hút khách trên sàn thì lại là một câu hỏi khó cho các công ty du lịch khi người dân vẫn ngại đi lại vì dịch bệnh như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm