Shopee "lấn sân" thử đồ ảo

QUÂN BẢO 08/12/2021 03:08

Shopee dự kiến cho khách hàng thử đồ ảo vào đợt sale 12/12 tới đây. Dù khá thú vị nhưng đây là một công nghệ rất mới, vẫn cần xem thử phản ứng của khách hàng.

>>Tham vọng phía sau kế hoạch đốt tiền của Shopee

12.12 là đợt sale lớn cuối năm. Tất cả các sàn thương mại điện tử đều tăng tốc thực hiện các chiến dịch thu hút khách hàng. Đa số vẫn là những chiêu rất quen thuộc như giảm giá, voucher mua hàng, miễn phí ship, v.v..

Trong đó Shopee đang tạo nên sự khác biệt khi lập một khu phố mua sắm ảo trên ứng dụng. Thực tế đây chỉ là một giao diện 2D có gian hàng ảo của các thương hiệu. Khách hàng thích thương hiệu nào thì nhấp vào cửa hàng đó để xem hàng và săn ưu đãi.

Ngoài ra, Shopee cũng nhận được sự chú ý khi tiếp tục ra mắt Shopee BeautyCam. Đây là một giải pháp mua sắm dựa vào công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Công cụ này cho phép người tiêu dùng thử mỹ phẩm lên khuôn mặt trong camera của mình, từ đó chọn được loại sản phẩm phù hợp mà không cần ra cửa hàng thử thực tế. Hiện tại đã có hơn 1.000 sản phẩm được áp dụng Shopee BeautyCam.

Công nghệ thử đồ ảo dựa trên AR như Shopee BeautyCam khá mới mẻ và đang nở rộ trong khoảng một năm trở lại đây. Các nhà bán lẻ xem đây là “vị cứu tinh” của mình trong thời kỳ doanh số sụt giảm vì khách hàng không đến cửa hàng dùng thử được do giãn cách xã hội.

>>“Phép màu” từ thực tế ảo tăng cường

Chẳng hạn công ty Perfect Corp (Đài Loan) phát triển ứng dụng làm đẹp YouCam. Ứng dụng này đã nhận được 50 triệu USD vòng gọi vốn Series C. Nguyên tắc hoạt động của YouCam cũng khá giống với Shopee BeautyCam. Hiện tại YouCam có hơn 40 triệu người dùng hàng tháng và hợp tác với sản phẩm của 300 nhãn hàng, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Estee Lauder và L’Oreal.

Các nhà bán lẻ thời trang cũng rất nhanh chóng áp dụng công nghệ thử đồ ảo. Chẳng hạn tháng 5 năm 2021, Walmart đã mua lại ứng dụng thử đồ Zeekit. Trên ứng dụng này người dùng sẽ đăng tải một tấm ảnh toàn thân, sau đó ướm thử các món đồ để xem mức độ phù hợp. Nếu thích họ có thể mua trực tiếp qua ứng dụng này. Ngoài ra ứng dụng còn có tính năng chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội để người dùng hỏi ý kiến người khác.

Theo Walmart, việc tạo một phòng thử đồ ảo này là cách hay để giải quyết những rắc rối khi chuyển từ hình thức mua trực tiếp sang online. Ít nhất là khi đã ướm thử, họ có thể đưa ra quyết định chính xác hơn. Từ đó tỷ lệ hoàn đơn cũng giảm đi. Zeekit cho biết công nghệ của họ giúp giảm 36% tỷ lệ hoàn đơn.

Ngoài mỹ phẩm và thời trang, ngay cả đồ nội thất cũng có thể thử tại nhà. Các doanh nghiệp trong ngành như Home Depot và Amazon cũng đang triển khai các dự án kiểu này để thúc đẩy nhu cầu mua sắm.

Mặc dù được nhiều nhà bán lẻ ứng dụng, thế nhưng có một thực tế không khả quan lắm. Đó là có vẻ như người dùng không mấy mặn mà với công nghệ thử đồ ảo như nhiều nhà bán lẻ mong đợi. Theo một khảo sát từ April Bizrates Insights, chỉ có 2% người Mỹ trưởng thành sử dụng “thường xuyên” công nghệ này để mua sắm. Có đến 44% thể hiện họ không hứng thú hoặc không sử dụng.

Dù tình hình thực tế có thể không như mong đợi, thế nhưng thử đồ ảo vẫn là một trải nghiệm thú vị. Vậy nên hiện tại chưa có gì chắc chắn về thành công hay thất bại của công nghệ thử đồ ảo tại Việt Nam, chỉ có thể chờ xem phản ứng của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty mẹ Shopee muốn huy động 6,3 tỷ USD

    Công ty mẹ Shopee muốn huy động 6,3 tỷ USD

    04:26, 11/09/2021

  • Shopee thực hiện “mục tiêu kép” cho tiêu thụ nông sản

    Shopee thực hiện “mục tiêu kép” cho tiêu thụ nông sản

    16:44, 08/08/2021

  • Lazada lấy gì “đấu” Shopee?

    Lazada lấy gì “đấu” Shopee?

    04:30, 31/05/2021

QUÂN BẢO