Giống Vietjet, hàng không Mỹ cũng triển khai “bay trước, trả sau”

QUÂN BẢO 02/03/2022 04:01

Delta Air Lines là cái tên tiếp theo tham gia trào lưu “mua trước, trả sau”, một chiêu marketing nhằm gia tăng lòng trung thành của khách hàng và đón đầu mùa du lịch dự báo sẽ rất bận rộn sắp tới.

>>Vietjet: Ra mắt sản phẩm mới “Bay Trước - Trả Sau”

Chương trình “mua trước, trả sau” của Delta cho phép khách hàng tạo gói thanh toán hằng tháng cố định, không tính lãi suất, nếu họ đặt chuyến bay bằng thẻ tín dụng American Express đồng thương hiệu của Delta. Động thái này tiếp nối dịch vụ đăng ký mới được công bố của Alaska Airlines, cho phép khách hàng trả ít nhất là 49 USD một tháng cho sáu chuyến bay mỗi năm đến các điểm đến nhất định ở bờ Tây nước Mỹ.

Cũng tương tự như vậy, ở Việt Nam, hãng Vietjet Air cũng mới kết hợp với công ty thanh toán MOVI ra mắt chương trình “bay trước, trả sau”. Chương trình này cho phép khách hàng đặt và sử dụng dịch vụ vé máy bay giá rẻ của Vietjet trước, sau đó sẽ thanh toán theo hình thức trả góp qua MOVI. Thời gian trả góp linh động từ 1 đến 6 tháng.

Tất cả đều là ví dụ về cách các hãng hàng không tìm cách thúc đẩy các nguồn doanh thu thay thế của họ trong khi thắt chặt ví tiền của người tiêu dùng. Các hãng kiếm tiền bằng cách bán điểm của khách hàng thường xuyên cho các ngân hàng, sau đó thưởng cho chủ thẻ tín dụng làm phần thưởng cho các giao dịch mua hàng như tại khách sạn và nhà hàng hoặc cửa hàng tạp hóa.

Các hãng hàng không được ngân hàng trả từ 1 đến 1,5 cent cho mỗi dặm bay, cộng với tiền thưởng khi khách hàng mới đăng ký thẻ tín dụng mang thương hiệu của họ. Các ngân hàng thu phí thường niên nhưng phần lớn cắt giảm dưới hình thức "phí quẹt thẻ" khi khách hàng sử dụng thẻ để mua hàng.

Người tiêu dùng chi tiêu càng nhiều, họ càng kiếm được nhiều dặm bay cho các kỳ nghỉ miễn phí, nâng hạng và các đặc quyền khác, qua đó khuyến khích họ sử dụng thẻ tín dụng của hãng hàng không.

 >>Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: “Càng sớm, càng rộng, càng thoáng càng tốt”

Các chương trình khách hàng thân thiết ngày nay mở rộng hơn nhiều so với việc bay. Ví dụ: thành viên Delta SkyMiles hiện có thể dùng thử Instacart Express miễn phí trong tối đa 12 tháng và tích lũy dặm bay với mỗi giao dịch. Aeroplan, chương trình khách hàng thân thiết của Air Canada, cho phép các thành viên tích điểm trên Uber Eats và Uber Rides thông qua bản dùng thử Uber Pass miễn phí trong sáu tháng.

American Airlines giờ đây thậm chí còn xác định tình trạng khách bay thường xuyên của khách hàng bằng số tiền họ chi tiêu cho các hoạt động hằng ngày chứ không chỉ dựa vào tần suất họ bay.

Các chương trình khách hàng thân thiết - đặc biệt là thẻ tín dụng có thương hiệu - ngày càng trở nên sinh lợi đối với các hãng hàng không.  David Slotnick, phóng viên chuyên mục hàng không tại The Points Guy, nói với Axios: “Các hãng hàng không nhận ra rằng có rất nhiều cơ hội kiếm tiền từ các chương trình này hơn là chỉ tạo ra lòng trung thành.”

Delta cho biết thỏa thuận dài hạn của họ với American Express dự kiến sẽ mang lại doanh thu 7 tỷ USD hàng năm vào năm 2023.

Một số nhà phân tích cho rằng các chương trình dành cho khách hàng thường xuyên là phần mang lại lợi nhuận cao nhất trong kinh doanh hàng không, nhưng điều đó rất khó xác nhận vì rất ít hãng hàng không tiết lộ chi tiết về các chương trình của họ.

Các chương trình khách hàng thân thiết đang mang lại nguồn tiền khổng lồ cho các hãng hàng không, và nhu cầu du lịch dồn nén trong năm nay mang đến cho họ cơ hội hiếm có để thúc đẩy sự “gắn bó” của thương hiệu và đa dạng hóa doanh thu của họ.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch, hàng không sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế chung

    Du lịch, hàng không sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế chung

    17:00, 24/02/2022

  • Hàng không... “đi trước một bước”

    Hàng không... “đi trước một bước”

    04:00, 18/02/2022

  • Hàng không giá rẻ Mỹ muốn

    Hàng không giá rẻ Mỹ muốn "mượn gió" để vươn xa

    03:08, 10/02/2022

QUÂN BẢO