Các hành xử độc đáo với ứng viên tuyển dụng của Grovider
Thay vì im lặng hoặc chỉ đơn giản gửi một email thông báo, công ty Grovider lại gửi tặng một thẻ quà tặng Amazon 25 USD cho những ứng viên không đậu phỏng vấn.
>>Văn hoá doanh nghiệp thời kỳ COVID-19: “Chân ga", "chân phanh” cho doanh nghiệp
Trong quy trình tuyển dụng, rất nhiều công ty chỉ chú ý đến nhân sự đậu phỏng vấn và “bỏ mặc” những ứng viên không đậu phỏng vấn. Đó có thể vì bộ phận tuyển dụng có quá nhiều ứng viên, không thể theo dõi hết. Cũng có thể vì không muốn vướng vào những tranh cãi pháp lý. Tuy nhiên cũng có rất nhiều công ty tìm những cách mới lạ, hay ho để thực hiện việc từ chối ứng viên.
Và Grovider, một doanh nghiệp tư vấn quản lý ở Philadelphia (Mỹ), đã rất sáng tạo trong việc này. Quy trình phỏng vấn của họ có ba vòng. Khi chọn được ứng viên phù hợp, họ sẽ gửi email đến những ứng viên khác, thông báo vị trí cần tuyển đã đủ người.
Sau đó, để “xoa dịu” sự thất vọng, họ sẽ gửi đến những ứng viên đã hoàn thành quy trình phỏng vấn nhưng không trúng tuyển một thẻ quà tặng Amazon 25 USD với một tấm thiệp nhỏ: “Chúng tôi cảm ơn bạn đã dành thời gian ứng tuyển vị trí này. Để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi xin tặng bạn món quà nhỏ này. Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất trong tương lai”.
Liệu một tấm thẻ quà tặng 25 USD có thực sự bù đắp được thời gian và nỗi thất vọng vì rớt phỏng vấn? Không ai có thể đảm bảo gì cả. Tuy nhiên theo Grovider, công ty thường xuyên nhận được phản hồi từ những ứng viên rớt này. Họ cảm ơn sự chu đáo của Grovider và xác nhận rằng chưa bao giờ nhận một món quà như vậy từ những nhà tuyển dụng khác.
Về nguyên nhân Grovider chấp nhận mất một khoản chi phí cho những người không được tuyển. Theo Candace Kenyatta, đồng sáng lập Grovider, mọi người khi đến phỏng vấn đều bỏ thời gian và công sức. Do đó Grovider muốn cảm ơn ứng viên vì đã chấp nhận bỏ thời gian cho công ty.
Ngoài ra, hành động tốt đẹp này còn đến từ trải nghiệm cá nhân của Kenyatta. Năm 2016, hai vợ chồng Kenyatta phải chăm sóc đứa con trai mới sinh. Trong lúc đó người chồng vừa phải chăm sóc người mẹ bị bệnh bạch cầu vừa phải tập trung công việc với cương vị giám đốc tại một hãng IT.
Đến tháng 10, người mẹ qua đời. Sau đó tháng 11, người chồng Everett Kenyatta mất việc. Trong vòng hai tháng anh ấy ứng tuyển hơn 100 vị trí. Chính thời gian này đã khiến hai vợ chồng biết được tìm kiếm và ứng tuyển một công việc mất thời gian như thế nào. Do đó khi điều hành Grovider, họ quyết định tặng quà cho những ứng viên rớt phỏng vấn.
>>Văn hoá doanh nghiệp - "bộ gene" làm nên hệ giá trị doanh nghiệp
Hành động của Grovider cũng đem đến nhiều kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn năm 2021, Grovider tuyển được một vị trí quan trọng từ những người từng ứng tuyển năm 2019 (và từng rớt).
Câu chuyện từ Grovider đem đến nhiều bài học cho các chủ công ty. Nhiều công ty hiện nay chỉ xem việc tuyển dụng là để tìm kiếm nhân viên. Tuy nhiên đối xử tốt với các ứng viên còn đem đến nhiều có ích cho công ty.
Thứ nhất, công ty tạo ấn tượng tốt với ứng viên, chứng tỏ rằng đây là công ty nên cân nhắc và ứng viên có thể tiếp tục ứng tuyển trong tương lai.
Thứ hai, những ứng viên này có thể truyền tai nhau về hành động tốt đẹp của công ty, làm tăng danh sách ứng viên cho những vị trí khác.
Thứ ba, có lợi cho việc kinh doanh, vì ứng viên sau này có thể trở thành khách hàng, đối tác hoặc giới thiệu công ty với những người trong mạng lưới quan hệ của họ.
Tất cả những điều này đều có ích cho công ty về lâu về dài. Vậy nên những người chủ công ty đừng xem việc từ chối ứng viên là một gánh nặng, mà hãy biến nó thành cơ hội để quảng bá hình ảnh công ty.
Có thể bạn quan tâm