Bị kiện vì bánh nhỏ hơn trên hình… quảng cáo
Thay vì một chiếc bánh mì kẹp thịt đầy đặn và thịnh soạn với pho mát chảy và nhiều loại món ăn kèm theo, khách hàng chỉ nhận được sản phẩm nhỏ hơn nhiều, ít thịt hơn từ 15 đến 20% so với quảng cáo.
>>Gã khổng lồ McDonald’s bị “người tí hon” kiện 900 triệu USD
McDonald’s và Wendy’s đang gặp rắc rối với những quảng cáo của mình. Mới đây nhất, một đơn kiện dài 35 trang đệ trình hôm thứ Ba tại Toà án Quận phía Đông của New York (Mỹ) đã cáo buộc cả hai hãng thực phẩm này đều đang lừa dối khách hàng bằng cách phóng đại kích thước sản phẩm trong các quảng cáo “sai sự thật và gây hiểu lầm”.
“Quảng cáo [của Wendy’s và McDonald’s] cho món hamburger kẹp thịt và các món ăn trong thực đơn của họ là không công bằng và gây thiệt hại về tài chính cho người tiêu dùng vì họ đang nhận thực phẩm có giá trị thấp hơn nhiều so với những gì được hứa hẹn,” đơn khiếu nại nói.
McDonald’s và Wendy’s là hai trong số các hãng thực phẩm đang bị kiện cáo về các chương trình khuyến mãi của họ. Ba công ty luật tham gia đơn kiện nói trên cũng đưa ra cáo buộc tương tự chống lại Burger King vào tháng Ba khi cho rằng sản phẩm Whopper của hãng này nhỏ hơn 35% so với quảng cáo. Cả Wendy’s, McDonald’s và Burger King đều không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Washington Post.
Trong các quảng cáo, Wendy’s nhấn mạnh “bánh mì kẹp thịt lớn so với các đối thủ cạnh tranh và chứa những miếng thịt bò dày và ngon ngọt được nhồi với lớp trên cùng,” đơn khiếu nại nêu rõ. Mickey D’s “cũng phóng đại quá mức về kích thước miếng chả bò của mình bằng cách sử dụng hành vi lừa đảo tương tự như Wendy’s”, đơn kiện cáo buộc.
>>McDonald's thiệt hại bao nhiêu khi “ly hôn” nước Nga?
Nội dung các đơn kiện cho thấy, thay vì một chiếc bánh mì kẹp thịt đầy đặn và thịnh soạn với pho mát chảy và nhiều loại món ăn kèm theo, khách hàng chỉ nhận được sản phẩm nhỏ hơn nhiều, ít thịt hơn từ 15 đến 20% so với quảng cáo.
Sự xung đột giữa sản phẩm được quảng cáo và được phục vụ trên thực tế xảy ra do cách các nhãn hàng “trình bày” sản phẩm. Để món ăn trông lớn hơn, đội ngũ quảng cáo đã dùng loại hamburger chưa được nấu chín. Theo đơn kiện, "điều đó đảm bảo miếng bánh to và đầy đặn, trong khi bánh mì kẹp thịt đã nấu chín hoàn toàn có xu hướng co lại và trông kém ngon miệng hơn".
Bên cạnh đó, nhiều thủ thuật cũng đã được áp dụng đằng sau ống kính máy ảnh để làm cho món ăn trông ngon hơn, ví dụ như sử dụng kem cạo râu thay vì kem đánh bông, nước tương pha loãng với nước thay vì cà phê, dùng keo thay vì sữa hay tạo hiệu ứng khói giả để làm cho sản phẩm trông “nóng hổi” và “hấp dẫn” hơn.
Theo các đơn kiện, những “chiêu trò” như vậy là không công bằng đối với người tiêu dùng, không chỉ vì chúng gây hiểu lầm mà còn vì hành vi "kiếm lời hàng triệu USD một cách không công bằng" trong khi số tiền đó có thể đã đến các nhà hàng khác "quảng cáo công bằng hơn”.
Hiện tại, một người đàn ông ở New York, Justin Chimienti, là nguyên đơn được nêu tên duy nhất trong vụ án, đang tìm kiếm các khoản bồi thường và trừng phạt cho những cáo buộc vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Với tính chất phức tạp, chắc chắn các vụ kiện này sẽ còn kéo dài.
Có thể bạn quan tâm