Đẳng cấp toàn cầu của McDonald’s là điều không phải bàn cãi, nhưng họ vẫn loay hoay tìm lối đi riêng ở Việt Nam.
Dù được xem là một tập đoàn đa quốc gia, nhưng McDonald's có đến 80% doanh thu chỉ từ bốn quốc gia: Mỹ, Đức, Anh và Pháp. Chính vì vậy, mãi đến năm 2014, McDonald's mới đến Việt Nam. Dù McDonald's được chào đón nồng nhiệt trong những ngày đầu tiên, nhưng mọi thứ dường như chẳng dễ dàng cho McDonald's ở Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự thành công của McDonald's ở Việt Nam chưa đến, có lẽ là do sự khác biệt trong cách tiếp cận của họ với văn hóa ẩm thực của người Việt.
Trong nhiều thập kỷ đã qua, nền văn hóa ẩm thực đường phố đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Người Việt thích ăn phở, bánh đa, bún hay bất cứ một thứ gì “có nước” hơn là một chiếc bánh mỳ kẹp “khô khốc” và một ly Coca khó nuốt.
Bên cạnh đó, những thứ đồ ăn như vậy, người ta có thể tìm được ở bất cứ khu vực nào, kể cả ở vỉa hè thành phố hay một xóm làng ngoại thành. Trong khi đó, với một menu “đơn điệu” và địa điểm khó tìm khi phải đến một vài thành phố lớn, McDonald’s dường như đã bị “mất điểm” trên bản đồ ẩm thực của Việt Nam.
Ngoài ra, McDonald’s mang đậm nét văn hóa phương Tây, họ thường thiết kế các nhà hàng “ăn nhanh và nhường chỗ cho người khác”, điều này khác biệt hoàn toàn với kiểu ăn uống “kề cà, lai rai” của người Việt.
Vẫn còn đó một sự hòa nhập khó khăn nữa của McDonald’s ở Việt Nam là vấn đề giá cả. Ngày nay, mặc dù mức sống và thu nhập của người dân Việt Nam đã được cải thiện nhiều, nhưng đồ ăn từ McDonald’s vẫn còn khiến nhiều người cảm thấy “lăn tăn”. Chẳng hạn một chiếc Hamburger Big Mac có giá lên tới 70.000đ, dường như khó hợp túi tiền của đa số người dân Việt Nam.
Tất cả điều này, đang khiến sở trường và điểm độc đáo của McDonald’s tại các thị trường khác lại không tạo ra sự đột phá lớn ở Việt Nam. Điều này đã và đang khiến McDonald's đang xoay xở tìm lối đi riêng ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm