Thương hiệu mỹ phẩm Mỹ về tay Hàn Quốc
Tập đoàn Amorepacific của Hàn Quốc vừa hoàn thành thương vụ thâu tóm thương hiệu chăm sóc da Tata Harper của Mỹ. Thương vụ đem đến những lợi thế lớn cho hai thương hiệu đang muốn mở rộng quy mô này.
>>Sau thăm dò, đại gia bán lẻ mỹ phẩm Sephora sẽ mở cửa hàng thực địa tại Việt Nam?
Cho đến nay các điều khoản của thương vụ chưa được tiết lộ. Chỉ biết rằng Amorepacific đã thành lập một SPAC ở Mỹ với mức 125 triệu USD để hoàn tất vụ mua lại này. Mục tiêu chung của Amorepacific và Tata Harper là “thúc đẩy danh mục sản phẩm chủ lực, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm” thông qua nghiên cứu và đổi mới.
Hiện tại thị trường chủ lực của Tata Harper là Mỹ. Các sản phẩm của Tata Harper thiên về mảng làm đẹp sạch, chẳng hạn serum bề mặt giá 92 USD hoặc sản phẩm chống nhăn da 490 USD. Các kênh bán hàng của họ bao gồm website TMĐT “cây nhà lá vườn”, 25 cửa hàng online và hơn 800 cửa hàng thực địa như Neiman Marcus, Sephora hoặc Blue Mercury. Theo đồng CEO kiêm nhà đồng sáng lập Henry Harper, thương hiệu này đang làm ăn có lãi trong những năm gần đây.
Còn Amorepacific là một trong những tập đoàn lớn nhất mảng làm đẹp ở Hàn Quốc, sở hữu các thương hiệu đình đám như Amorepacific, Sulwhasoo, Laneige, Mamonde, Innisfree và Etude. Doanh thu trong năm tài chính 2021 của Amorepacific là 4,9 nghìn tỷ won (3,13 tỷ bảng Anh) và lợi nhuận hoạt động là 343,4 tỷ won (219,4 triệu bảng Anh), tăng 140,1%.
Tata Harper là thương vụ mua lại đầu tiên của công ty này tại Mỹ. Theo chia sẻ từ đại diện Amorepacific, Tata Harper sẽ giúp họ đa dạng hóa danh mục kênh phân phối, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh sang Châu Mỹ và Châu Âu.
Không phải tự dưng mà Amorepacific chọn thời điểm này để hoàn tất thương vụ mua lại, bởi đây là thời của những sản phẩm chăm sóc da cao cấp và được sản xuất với những công nghệ, quy trình khoa học. Chẳng hạn, thống kê từ NPD Group cho thấy ngành làm đẹp của Mỹ tăng trưởng 30%, đạt mốc 22 tỷ USD năm 2021, với doanh số bán hàng chăm sóc da tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó những sản phẩm kiểu “lâm sàng” (do bác sĩ, chuyên gia hóa học hoặc thẩm mỹ sản xuất) đóng góp mức doanh thu cao nhất, thậm chí còn vượt qua các sản phẩm mang nhãn “tự nhiên”.
>>Mỹ phẩm kỳ lân trực tuyến Glossier cũng phải “xuống” thực địa
Và người đồng sáng lập Tata Harper, người có tên được đặt cho công ty, cũng có lý do để chấp nhận vụ mua bán. Bởi theo cô, Hàn Quốc là một trong những trung tâm làm đẹp toàn cầu với các đặc tính hiện đại, sáng tạo, cho phép họ tiếp tục khám phá những công thức làm đẹp vô hạn, đồng thời phù hợp với niềm tin của cô về khoa học tự nhiên, các công thức làm sạch da và phát triển bền vững.
Tata Harper càng thích thú với thương vụ hơn sau khi được đến Seoul tham quan trụ sở trị giá 470 triệu USD của Amorepacific. Henry Harper mô tả Amorepacific là những người “theo chủ nghĩa hoàn hảo”, thực sự muốn trở thành một công ty hiện đại và có trách nhiệm với xã hội, môi trường. Tập đoàn này còn sở hữu trang trại trà xanh lớn nhất Hàn Quốc với vườn thực vật hơn 1.000 loài. Đồng thời đang nghiên cứu hơn 3,912 loại thảo mộc tự nhiên tại Trung tâm Khoa học Sulwhasoo.
Không chỉ vậy Amorepacific cũng có chân trong mảng sản xuất hộp thủy tinh và carton, hai sản phẩm đầu vào phi thành phần quan trọng nhất với Tata Harper. Điều này tạo nên khác biệt vì đa số các sản phẩm chăm sóc da hiện nay đều chỉ có bao bì nhựa. Hợp tác với Amorepacific giúp họ giải quyết các vấn đề và ràng buộc về chuỗi cung ứng, từ đó mở rộng ra toàn cầu.
Bên cạnh đó, thương hiệu Tata Harper cũng xem Hàn Quốc là một thị trường cực kỳ quan trọng, nhưng vẫn chưa chiếm được phần lợi thế. Thay vì là một kẻ “ngoại bang” tại thị trường Hàn Quốc xa lạ, giờ đây họ đang hợp tác với một thương hiệu nội địa bậc nhất Hàn Quốc, thậm chí là Châu Á. Lợi thế chắc chắn là không cần bàn cãi.
Trong ngắn hạn, Tata Harper vẫn tập trung phát triển sâu rộng ở Bắc Mỹ, tiếp tục triển khai các thị trường trọng điểm ở Châu Âu và Trung Đông. Còn Châu Á sẽ được đưa vào kế hoạch dài hơi hơn.
Có thể bạn quan tâm