Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển

QUÂN BẢO 13/09/2022 05:05

Nintendo qua mặt Sony và Microsoft. Stitch Fix trở thành “nhà tư vấn thời trang” cho mọi người. Trong 20 năm, Cirque đạt doanh số mà hai đoàn xiếc hàng đầu thế giới phải mất một thế kỷ mới đạt được.

>>Đại dương xanh không dễ - Câu chuyện Marvel (kỳ 1)

Không chỉ Marvel, có những tên tuổi khác cũng từng thành công với đại dương xanh.

Nintendo: Bước chuyển mình sang đại dương xanh

Nintendo là công ty trò chơi điện tử của Nhật từng rất nổi tiếng với việc sản xuất máy chơi trò chơi cầm tay năm 1977 và các tựa game Donkey Kong (1981) hay Super Mario Bros (1985). Tuy nhiên đến đầu những năm 2000, Nintendo bị những đối thủ như Sony hoặc Microsoft lấn át.

Thế trận dần xoay chiều khi năm 2006, Nintendo thực hiện chiến dịch đại dương xanh, nhắm đến những khách hàng không phải game thủ. Tức là họ vẫn sản xuất máy chơi game cầm tay, nhưng mẫu máy mới (tên là Wii) là một dụng cụ đơn giản, đầy đủ chức năng, cực kỳ thích hợp cho những người chơi hệ “bình thường”.

Nintendo loại bỏ hoặc giảm bớt những yếu tố từng được xem là chủ chốt trong ngành làm game. Đó là âm thanh và đồ họa chất lượng cao, chip xịn, bảng điều khiển nhiều nút bấm, các game bạo lực. Đồng thời họ tăng cường và tạo ra những yếu tố thu hút khách hàng bình thường, làm các game dễ tiếp cận, thú vị hơn. Kết quả là Nintendo Wii mở ra được một thị trường mới, doanh số vượt xa cả Sony và Microsoft cộng lại.

Đến năm 2017, Nintendo một lần nữa tìm đại dương xanh với sản phẩm Nintendo Switch trong thời đại nhu cầu game đơn giản để chơi trên điện thoại ngày càng tăng. Thay vì phải cạnh tranh với những máy chơi game cao cấp như PlayStation 4 hoặc Xbox One, Nintendo Switch là một thiết bị nhỏ cho phép người chơi kết nối với TV để chơi. Đến năm 2018, đây là máy chơi game tại nhà bán nhanh nhất mọi thời đại ở Mỹ. Nintendo đã xây dựng lại ranh giới thị trường, khi Switch kết hợp được những thứ tốt nhất của máy chơi game cầm tay và trò chơi trên điện thoại thông minh.

Stitch Fix: Đại dương xanh trong ngành bán lẻ thời trang

CEO của Stitch Fix là Katrina Lake, vị nữ CEO trẻ nhất từng dẫn dắt một công ty Mỹ tiến đến IPO. Chiến lược của cô với Stitch Fix là tạo ra một không gian thị trường mới trong ngành bán lẻ thời trang vốn đã rất cạnh tranh này.

Stitch Fix kết hợp trí tuệ nhân tạo và các tương tác giữa người với người để đem đến cho khách hàng những mẫu quần áo được cá nhân hóa, sành điệu và lựa chọn cẩn thận, giống như là khách hàng có nhà tạo mẫu riêng cho mình vậy.

Bằng cách tạo ra không gian thị trường này, kết hợp những gì tốt nhất của công nghệ, óc sáng tạo con người và sự khéo léo trong sản phẩm, Stitch Fix ghi nhận doanh số đến 1,5 tỷ USD trong năm 2019 với hơn 3 triệu khách hàng. Đây cũng là công ty có lực lượng lao động nữ lớn nhất trong lĩnh vực AI, nếu không muốn nói là trong hầu hết các ngành.

>>Stitch Fix và bài toán “bản sắc công ty”

Cirque du Soleil: Chiến dịch đại dương xanh kinh điển

Cirque du Soleil là một tổ chức xuất khẩu văn hóa lớn nhất Canada. Cirque thành lập năm 1984 bởi một nhóm nghệ sĩ đường phố. Họ từng lưu diễn ở 90 thành phố, thu hút khoảng 40 triệu khán giả. Trong 20 năm qua, Cirque đạt mức doanh số mà hai đoàn xiếc hàng đầu thế giới là Ringling Bros và Barnum & Bailey phải mất một thế kỷ mới đạt được.

Thành công của Cirque càng được công nhận khi họ phát triển trong một thời kỳ cực kỳ khó khăn. Xiếc ngày càng kém hấp dẫn với trẻ em, đối tượng chính của xiếc theo quan điểm đại chúng. Những loại hình giải trí thay thế như các sự kiện thể thao, truyền hình và video games ngày càng lấn lướt. Quan điểm chống lại việc sử dụng động vật trong rạp xiếc ngày càng phát triển.

Trong nội bộ ngành, hai đơn vị lớn là Ringling Bros và Barnum & Bailey phát triển quá mức. Họ đặt ra những chuẩn mực riêng và buộc những gánh xiếc nhỏ hơn phải tuân thủ. Ngành biểu diễn xiếc gặp khủng hoảng trầm trọng bởi lượng khán giả giảm mạnh và chi phí thì tăng vọt.

Trong tình hình đó, Cirque áp dụng chiến lược đại dương xanh với châm ngôn “tự đổi mới rạp xiếc”. Họ quyết định không để rạp xiếc của mình đi theo lối mòn cũ, tranh giành khách hàng với những đối thủ khác. Thay vào đó, họ phát triển những tiết mục hoàn toàn mới, nhằm hướng đến đối tượng khán giả mới, là những người thích xem kịch, nhạc kịch hoặc múa ba lê. Những người này sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn gấp vài lần so với giá một vé xem xiếc thông thường để tận hưởng trải nghiệm khác lạ mà Cirque đem lại.

Chính hướng đi khai phá miền đất mới này đã giúp Cirque thành công rực rỡ và tăng doanh thu gấp 22 lần trong 10 năm ngay trong một ngành kém hấp dẫn như biểu diễn xiếc.

Có thể bạn quan tâm

  • Nintendo đang dần đi theo con đường của Disney

    Nintendo đang dần đi theo con đường của Disney

    03:00, 03/02/2021

QUÂN BẢO