Nhân sự gen Z: Nổi loạn hay “cháy” hết mình?

HẠNH LÊ 23/09/2022 04:00

Tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng nhân sự gen Z (sinh năm 1997 trở về sau) với những tính cách mới, khác biệt khá lớn với thế hệ nhân sự U30, U40 khiến cho việc quản trị doanh nghiệp phải thay đổi.

>>>Gen Z – Thế hệ quyết định xu hướng tiêu dùng của tương lai

Thế hệ mới

Bà Nguyễn Hoài Giang - chuyên gia tư vấn, đào tạo quản trị nhân sự thuộc HRC Academy đã ngạc nhiên khi câu chuyện về thế hệ nhân sự mới đã thu hút sự quan tâm của hơn 850 người là CEO, quản lý nhân sự.

“Nhân sự gen Z đang chiếm đông đảo tại các doanh nghiệp. Theo thống kê, trên thế giới hiện có 2,6 tỷ người thuộc thế hệ Z, chiếm 1/3 dân số; còn tại Việt Nam, gen Z có khoảng 15-16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động và con số này dự kiến tăng lên 30% vào năm 2030” - bà Nguyễn Hoài Giang thông tin.

Nhân sự gen Z năng động và cuộc sống gắn liền với thiết bị công nghệ hiện đại

Nhân sự gen Z năng động và cuộc sống gắn liền với thiết bị công nghệ hiện đại

Còn theo thống kê của TopCV, các ngành nghề đang thu hút nhiều nhân sự gen Z nhất đang là ngành nghề có tốc độ phát triển và phục hồi nhanh, trong đó đầu bảng là kinh doanh bán hàng với nhân sự gen Z chiếm gần 40%; tiếp đến là giáo dục, đào tạo, marketing, truyền thông, quảng cáo, tư vấn, kế toán kiểm toán, nhân sự, IT, hành chính, văn phòng, khách sạn, nhà hàng”

Gọi đây là thế hệ đặc biệt, bà Nguyễn Hoài Giang cho biết thêm: gen Z khác hẳn so với các thế hệ trước đó đang làm việc trong cùng doanh nghiệp. Những người trẻ gen Z sinh ra trong kỷ nguyên số nên phụ thuộc vào công nghệ, internet và smartphone là lẽ sống. Gen Z cũng năng động, nhanh nhạy, ngay từ năm thứ nhất đại học, rất nhiều bạn trẻ đã kiếm việc làm thêm, cọ xát với thực tế cuộc sống. Không ít gen Z còn những con người có tinh thần doanh nhân, có khát vọng khởi nghiệp, cấp tiến.

Vào “đời” sớm và rèn rũa kỹ năng trong quãng thời gian dài đại học hoặc cao đẳng nên gen Z được kỳ vọng những người có thể tạo sự bùng nổ cho doanh nghiệp khi được trang bị nhiều kỹ năng mềm cần thiết của công việc như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thương lượng, tư vấn thuyết phục; kỹ năng viết, sử dụng công nghệ; kỹ năng quản lý thời gian và tư duy phản biện. Doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian để đào tạo lại, gen Z có thể chủ động, linh hoạt và thích ứng nhanh với công việc, đặc biệt có thể làm được nhiều việc cùng một lúc và khi đã vào việc có thể “cháy” hết mình.

Thách thức của doanh nghiệp

Nhấn mạnh gen Z dễ nắm bắt cái mới để tạo trend, không thích sự gò bó ràng buộc nhưng cũng thực tế, bà Nguyễn Hoài Giang lưu ý: người mang gen Z rất “mong manh dễ vỡ” khi môi trường làm việc không như mong muốn, không được tôn trọng, không được thể hiện bản thân, không có cơ hội thăng tiến hoặc đãi ngộ xứng đáng... Do vậy, nói đến gen Z gắn liền với những tính cách của sự… nổi loạn như hay “bật” sếp, thích nhảy việc…

Đại diện quản lý chuỗi cửa hàng dành cho mẹ và bé Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này “đau đầu” với gen Z khi có thời điểm, không tìm được tiếng nói chung về mức lương, tất cả các gen Z ở vị trí bán hàng trong công ty rủ nhau nghỉ, để lại khoảng trống nhân sự mà công ty không thể tuyển dụng ngay để thay thế.

Bà Nguyễn Hoài Giang chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản trị doanh nghiệp với nhân sự gen Z (ảnh: PV)

Bà Nguyễn Hoài Giang chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản trị doanh nghiệp với nhân sự gen Z (ảnh: PV)

Theo kết quả khảo sát của Anphabe - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm với sự tham gia của gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc cho thấy, có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm; thậm chí có gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm.

“Hiện tượng gen Z nhảy việc phần nào cho thấy cơ hội việc làm đến với gen Z khá dễ, trong đó có nhiều việc mà thế hệ trước đây ít nghĩ đến như phát triển nội dung trên các nền tảng xã hội như TikTok, facebook… có thể mang lại cho họ mức lương cao hơn hẳn so với việc làm thuê tại doanh nghiệp. Mặt khác đây là thách thức với chúng tôi, nhất là với một số vị trí doanh nghiệp phải đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi phải chấp nhận thực tế này và có chiến lược thích nghi” - đại diện quản lý nhân sự một doanh nghiệp kinh doanh thời trang chia sẻ.

Bà Nguyễn Hoài Giang nhìn thấy những rào cản giữa các thế hệ trong doanh nghiệp, ở đó gen Z có tính cách khác hẳn với gen Y (sinh năm 1980 - 1994) làm phát sinh những bất cập về quản lý, xung đột trong kiến thức văn hoá cho đến cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nhân sự gen Z.

Vì vậy, doanh nghiệp ở những lĩnh vực “hút” gen Z cần thay đổi quản trị doanh nghiệp, tối ưu hoá quy trình tuyển dụng, sử dụng nhân sự hiệu quả, đặc biệt xây dựng văn hoá doanh nghiệp, môi trường làm việc của doanh nghiệp phù hợp với tính cách của thế hệ nhân sự mới theo hướng cởi mở hơn, rút ngắn khoảng cách thế hệ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút Gen Z: Thách thức của du lịch Quảng Bình

    Thu hút Gen Z: Thách thức của du lịch Quảng Bình

    03:00, 04/08/2022

  • Hành trình làm sản phẩm công nghệ thực chiến của Gen Z

    Hành trình làm sản phẩm công nghệ thực chiến của Gen Z

    15:17, 18/02/2022

  • Cẩm nang Gen Z: Lần đầu đi làm

    Cẩm nang Gen Z: Lần đầu đi làm

    17:03, 01/09/2020

HẠNH LÊ