Để hồi sinh lĩnh vực du lịch sau đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang chuyển dần sự tập trung vào tệp khách hàng gen Z. Đã đến lúc nền du lịch Quảng Bình bắt nhịp xu thế này.
Chiếm ⅓ dân số trên thế giới với 2.6 tỷ người, gen Z (thế hệ sinh ra từ năm 1995 đến năm 2012) được xem là lực lượng “nắm giữ” tương lai tiêu dùng. Tại Việt Nam, tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 25% người trong độ tuổi lao động, tương đương với 15 triệu khách hàng tiềm năng là gen Z. Các nghiên cứu nhận định, gen Z là nhóm nhân khẩu học có sức ảnh hưởng lớn và sẽ định hình xu hướng của thị trường du lịch trong tương lai gần.
Những năm gần đây, các nhà tiếp thị du lịch đã nỗ lực giải mã thế hệ gen Z, từ tâm lý, thị hiếu cho đến thói quen chi tiêu, để có thể nắm bắt được chìa khóa khai thác tệp khách hàng này. Một số phát hiện đáng chú ý đã được chỉ ra trong báo cáo của Outbox Consulting.
Thứ nhất, trải nghiệm là ưu tiên hàng đầu. Mục đích đi du lịch của gen Z rất rõ ràng: chỉ tập trung vào nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng, có rất ít nhu cầu về thăm viếng, công việc hay học tập.
Thứ hai, du lịch tự túc chiếm ưu thế. Có tới 80% đối tượng gen Z tham gia khảo sát chọn hình thức này. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng thích sự riêng tư với nhóm bạn và gia đình, có xu hướng lựa chọn những chuyến đi ít người, chỉ khoảng 2-3 người.
Thứ ba, là công dân thời đại kỹ thuật số, gen Z có nhiều tác động cũng như bị thu hút bởi các công cụ truyền thông. Trên mạng xã hội Facebook, Instagram, những người trẻ thường xuyên check in, chia sẻ, cập nhật dòng trạng thái, trong đó có sở thích chụp lại không gian đặc sắc trong kỳ nghỉ của mình để chia sẻ cùng bạn bè.
Như vậy, để phục vụ tệp khách gen Z, ngoài sự hấp dẫn tại điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ lưu trú nói chung cũng cần có sự đổi mới, không chỉ đơn thuần là chốn nghỉ ngơi, thư giãn như trước kia mà còn phải là không gian có “gu” để giới trẻ có thể khám phá, trải nghiệm và khẳng định bản thân.
Khoảng một thập kỷ trở lại đây, Quảng Bình nổi lên như một địa danh không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nơi đây nổi tiếng với di sản UNESCO Phong Nha – Kẻ Bàng và kỳ quan thiên nhiên thế giới: hang Sơn Đoòng. Ngoài ra, Quảng Bình còn được biết đến là địa phương có nhiều bãi biển đẹp với đường bờ biển dài nhất miền Trung.
Với lợi thế cảnh quan nói trên, giai đoạn trước Covid, du lịch Quảng Bình tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể năm 2019, Quảng Bình đón 5 triệu lượt khách, tăng 28% so với cùng kỳ. Sau hơn 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh, đến nay du lịch địa phương đã nhanh chóng quay trở lại đường đua với mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2022.
Tuy vậy, thu hút khách hàng trẻ tuổi lại dường như đang là thách thức của du lịch Quảng Bình. Bởi lẽ, khách du lịch đến địa phương phần lớn có xu hướng đi theo nhóm cơ quan, đoàn thể hoặc gia đình. Tệp khách hàng tự túc ở độ tuổi gen Z không nhiều. Mặt khác, theo thông tin từ Destination Review, Quảng Bình cũng không nằm trong những điểm đến yêu thích hàng đầu của các bạn trẻ Việt, mà thay vào đó là những địa danh như Đà Nẵng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế…
Vì sao một điểm đến nổi danh Thế giới, từng không ít lần được báo chí nước ngoài ca ngợi như Quảng Bình lại chưa “được lòng” thế hệ gen Z Việt Nam?
Nếu xét về cảnh quan thiên nhiên, Quảng Bình hoàn toàn có cơ sở để cạnh tranh với những cái tên như Đà Nẵng, Lâm Đồng… Hiện nay, các sản phẩm du lịch tại Quảng Bình cũng đang không ngừng được đa dạng hóa để đem đến những trải nghiệm mới mẻ, có thể kể đến như các tour thám hiểm rừng sâu, hang động; đu dây mạo hiểm; trượt cát..
Có chăng, so với các địa danh du lịch nói trên, điểm vui chơi giải trí tại Quảng Bình chưa nhiều, và đặc biệt là đang thiếu những cơ sở lưu trú phù hợp với cái “gu” của người trẻ.
H.X, một bạn trẻ gen Z vừa trở về từ Quảng Bình cho biết: “Nhóm mình đã có dịp chèo thuyền Kayak ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và tụi mình đều thích thú với trải nghiệm lần này. Quảng Bình thật sự là một nơi lý tưởng để khám phá thiên nhiên: biển đẹp, nước sông Son trong xanh, núi non hang động hùng vĩ… Tuy nhiên, nếu nói đến địa điểm xứng đáng quay lại lần 2 và thậm chí là nhiều lần sau đó, thì mình sẽ chọn Đà Lạt thay vì nơi đây. Lý do vì chi phí ăn ở tại Quảng Bình khá đắt đỏ. Do đi vào thời gian cao điểm, tụi mình cũng không tìm được chỗ nghỉ ngơi ưng ý, đặc biệt là không có chỗ để cả nhóm cùng “chill” vào buổi tối như nhiều homestay ở Đà Lạt.”
Bà Lâm Thị Thúy Hà (Co-Founder Triip.me) cho biết: “Việc sáng tạo khu nghỉ dưỡng và phòng khách sạn theo chủ đề, tích hợp nhiều tiện ích độc đáo đã trở thành một xu hướng thịnh hành trên toàn thế giới. Nhiều khách sạn đang không ngừng nghiên cứu thị hiếu của du khách trẻ tuổi, tham khảo thêm các phong cách được yêu thích trên Pinterest hay cập nhật thường xuyên các trend quốc tế để làm mới không gian lưu trú, thu hút giới trẻ đến khám phá, trải nghiệm”.
Có lẽ rằng, đã đến lúc du lịch Quảng Bình cần bắt nhịp xu thế trên. Nhất là khi ở thời điểm hiện tại, thế hệ gen Z đã chiếm tới hơn 30% thị phần du khách nội địa. Chưa kể, đây lại là nhóm khách hàng có khả năng lan tỏa và quảng bá du lịch trên mạng xã hội tốt nhất trong 3 thế hệ (so với gen Y và gen X).
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang có 3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao và 11 khách sạn 3 sao. Tuy rằng địa phương cũng đã có một số homestay và farmstay, nhưng số lượng chưa nhiều cũng như chưa cung cấp được đa dạng trải nghiệm cho giới trẻ.
Có thể bạn quan tâm